Ngày 23/9, dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực, kết quả của Thanh tra Chính phủ, đồng thời yêu cầu phải công khai với dư luận về những việc bị chậm trễ, Thanh tra Chính phủ phải thay đổi lề lối làm việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đánh giá, khối lượng công việc từ đầu năm đến nay của Thanh tra Chính phủ rất lớn, tăng nhiều so với các năm trước, nhiều nhiệm vụ rất phức tạp. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã cố gắng rất cao, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, đạt nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tính từ đầu năm, Thanh tra Chính phủ được Chính phủ, Thủ tướng giao 100 nhiệm vụ (không tính các nhiệm vụ tại các văn bản mật), đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, còn 53 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 32 còn nhiệm vụ trong hạn và 21 nhiệm vụ đã quá hạn.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ 7 điểm tồn tại, hạn chế, trong đó điểm đầu tiên và cũng đáng chú ý nhất là trách nhiệm của một số vụ, cục chưa cao, chưa rốt ráo trong triển khai nhiệm vụ. Cùng với đó, một số nhiệm vụ được giao với thời hạn ngắn, chưa lường được hết tính phức tạp của các vụ việc. Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã kéo dài, tính chất phức tạp, hồ sơ thất lạc…
Phần lớn thời gian buổi kiểm tra, theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác, đoàn kiểm tra nghe các vụ, cục thuộc Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ nguyên nhân chậm trễ và hướng xử lý các nhiệm vụ đã quá hạn - phần lớn liên quan tới việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo. “Bao giờ xong” là câu hỏi được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu liên tục đặt ra.
Nêu nhiều lý do khách quan!
Qua báo cáo, các vụ, cục thuộc Thanh tra Chính phủ thừa nhận “có khuyết điểm” đã để chậm trễ, đồng thời nêu ra hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do Thanh tra Chính phủ chậm trễ thành lập các đoàn thanh tra.
Khi Tổ trưởng Mai Tiến Dũng “truy” cụ thể, các vụ, cục cho biết, chẳng hạn khi Thanh tra Chính phủ đang chuẩn bị lập đoàn thanh tra một vụ việc tại một địa phương, thì được giao vụ việc mới cũng tại địa phương đó, nên lùi lại chờ gộp các đoàn lại thành 1 đoàn, bởi thủ tục lập đoàn thanh tra rất phức tạp vì còn có sự tham gia của các cơ quan khác… Hơn nữa, việc gộp thành một đoàn cũng bớt phiền phức cho địa phương.
Cụ thể hơn, theo Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3 ( phụ trách phía Nam), trong số các nhiệm vụ chậm trễ thuộc phạm vi trách nhiệm của Cục, có tới 6 vụ việc tại Thành phố Hồ Chí Minh gộp chung vào 1 đoàn. Nghe cách giải thích như vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nói ngay: “Như vậy là không có lý. Như ngày 16/6 giao nhiệm vụ, tới tháng 8 mới lập được đoàn thanh tra, không thể để như vậy được. Đừng đổ cho khách quan”.
Nguyên nhân thứ hai, là do các bộ ngành chậm trễ cử người tham gia đoàn thanh tra hoặc chậm trễ trả lời ý kiến. Một ví dụ, ngày 3/6/2016, Thanh tra Chính phủ có công văn gửi các Bộ, nhưng tới 21/7, Bộ Tài nguyên Môi trường mới có ý kiến, Bộ Tư pháp trả lời chậm tới 3 tháng, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến giờ này vẫn chưa có ý kiến.
Bên cạnh đó, có những vụ việc mà người tố cáo được mời nhiều lần nhưng không đến; qua xem xét, Thanh tra Chính phủ hiện đang chuẩn bị chuyển sang cơ quan Công an xử lý vì có dấu hiệu tin tố giác tội phạm. Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, do vấn đề kỹ thuật, có những vụ việc đã hoàn thành nhưng chậm được cập nhật lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ, phần mềm theo dõi vẫn có điểm chưa thuận tiện trong sử dụng…
Trước các vụ việc chậm trễ do trách nhiệm của một số vụ, cục chưa cao, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thẳng thắn: “Tôi xin nhận trách nhiệm của mình với những việc bị chậm, có việc rất chậm”, đồng thời cam kết sẽ hành động quyết liệt, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ như yêu cầu của Thủ tướng.
‘Trì trệ ở thủ tục hành chính nội bộ’
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét Thanh tra Chính phủ đã báo cáo, giải trình khá rõ về những việc đã làm được, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân. “Tuy nhiên, số nhiệm vụ quá hạn vẫn lớn và phải nói rằng còn đánh giá sơ sài về những nguyên nhân chủ quan, nêu quá nhiều nguyên nhân khách quan”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Qua kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ rõ 3 vấn đề Thanh tra Chính phủ cần lưu ý.
Thứ nhất, nhìn nhận một cách khách quan, trong lề lối làm việc của Thanh tra Chính phủ có những vấn đề cần chấn chỉnh. Có những đơn vị làm khá tốt, không để tồn đọng vụ việc, nhưng có những đơn vị chiếm tới gần một nửa số nhiệm vụ chậm trễ của Thanh tra Chính phủ.
“Trì trệ chính là ở thủ tục hành chính nội bộ. Có rất nhiều việc, mà thành lập đoàn thanh tra chậm trễ tới vài tháng. Có Phó Cục trưởng được giao nhiệm vụ trong đoàn mà không nhận. Đây là vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu các vụ, cục, cần cải cách hành chính ngay tại cơ quan”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ, đồng thời cũng nêu ra phương án khắc phục. “Từng công tác ở địa phương, tôi ủng hộ việc không nên có nhiều đoàn thanh tra về một nơi. Nhưng nên chăng, khi được giao nhiệm vụ, cứ thành lập đoàn làm việc, còn khi phát sinh vụ việc khác thì giao thêm nhiệm vụ cho chính đoàn đó, chứ không nên đợi rồi gộp lại”.
Thứ hai, việc xử lý sau thanh tra, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, ban hành kết luận thanh tra nhưng có khả thi, có đi vào cuộc sống không, người dân, dư luận rất trông đợi. Thanh tra Chính phủ cần hết sức quan tâm vấn đề này.
Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng. “Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục nhắc nhở vấn đề này, tại các hội nghị, Thủ tướng rất nhiều lần khẳng định phải xây dựng cho được Chính phủ liêm chính, muốn vậy phải hết sức quan tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, dù đây là việc khó, nan giải”, Bộ trưởng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ hết sức tiếp thu các ý kiến của Thanh tra Chính phủ, trong đó có việc khi trình Thủ tướng dự thảo kết luận thanh tra thì đề nghị Thanh tra Chính phủ gửi hồ sơ đầy đủ để Văn phòng Chính phủ không lấy lại ý kiến các cơ quan liên quan nữa, vì trước đó Thanh tra Chính phủ đã lấy. Với những ý kiến khác nhau, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, mời Thanh tra Chính phủ và bộ có ý kiến khác, trực tiếp xử lý, không xử lý được mới trình Thủ tướng. Đồng thời, có quy định về việc quá thời hạn lấy ý kiến thì coi “im lặng là đồng ý”, các Bộ trưởng phải có trách nhiệm chính trị về vấn đề này.
Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ rút kinh nghiệm về những nhiệm vụ không nhất thiết phải giao cho Thanh tra Chính phủ, giao bộ khác sẽ đúng chức năng hơn, thời gian hoàn thành nhiệm vụ cũng cần tính toán phù hợp hơn. Với những nhiệm vụ mà Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành, chuyển sang bộ khác, Văn phòng Chính phủ sẽ cùng đôn đốc xử lý.
Trước đề nghị của Thanh tra Chính phủ về việc hoàn thiện phần mềm theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật, Bộ trưởng giao lãnh đạo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngay trong tuần tới, phối hợp cùng Vụ Văn thư Hành chính – Văn phòng Chính phủ hỗ trợ Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định tất cả nội dung làm việc sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp sắp tới. Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí công khai với dư luận, với nhân dân những việc Thanh tra Chính phủ đã làm được, những việc chậm trễ và nguyên nhân, trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.