(HNM) - Từ ngày 19-3-2023, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội sẽ được quản lý một cách công khai, minh bạch. Quy định mới tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19-1-2023 về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính là văn bản pháp lý quan trọng để giám sát, quản lý lĩnh vực này một cách khách quan. Nội dung văn bản đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân cũng như các đơn vị liên quan.
Cần thiết và phù hợp
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt...
Dù số lượng lễ hội, di tích, cơ sở tôn giáo nhiều như vậy nhưng từ trước tới nay chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh việc quản lý thu chi đối với tiền công đức trong các di tích, lễ hội...
Do đó, thời gian qua, có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến vấn đề này, trong đó, vụ 5,6 đồng tỷ tiền công đức tại Cụm di tích Gia Thượng (quận Long Biên) “không cánh mà bay” là ví dụ điển hình... Trong bối cảnh đó, việc ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC thực sự là cần thiết và phù hợp với thực tế.
Trong đó, Thông tư quy định rõ, các di tích và lễ hội phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ, thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận hằng ngày hoặc hằng tuần. Khi số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch...
Qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, đa số người dân đều tin tưởng những quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong vấn đề quản lý và sử dụng tiền công đức.
Bà Nguyễn Thanh Hà (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, việc mập mờ, không rõ ràng trong sử dụng tiền công đức ở nhiều đình, chùa, lễ hội đã xảy ra nhiều, gây bức xúc trong dư luận. Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ tạo sự công khai, minh bạch, tiền công đức sẽ được sử dụng hiệu quả và đúng quy định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Tùng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) nêu rõ, việc kiểm đếm số tiền công đức hằng ngày hoặc hằng tuần là rất hợp lý. Các cơ sở tín ngưỡng, di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức. Khi số tiền chưa được sử dụng vào việc chung thì gửi vào tài khoản ngân hàng hay Kho bạc Nhà nước là cách quản lý tiền an toàn, tạo niềm tin cho người đóng góp công đức cũng như nhân dân.
Chuẩn hóa việc quản lý
Sau khi Thông tư số 04/2023/ TT-BTC được ban hành, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi các quận, huyện về việc thực hiện quy định ngay khi văn bản có hiệu lực và yêu cầu các phường, xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng đến người dân, ban quản lý các di tích, lễ hội, cơ sở thờ tự trên địa bàn.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng cho biết, quận đã chỉ đạo các phường tập trung tuyên truyền đến các cơ sở thờ tự, di tích, lễ hội về các quy định mới tại Thông tư 04/2023/TT-BTC. Hiện tại, UBND các phường đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện khi có hướng dẫn từ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội.
Chia sẻ vấn đề này, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) Trương Tiến Hồi cho biết, Tiểu ban rất đồng thuận với những quy định về việc quản lý, sử dụng tiền công đức mà Thông tư 04/2023/TT-BTC đề cập. Hiện Tiểu ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ đang chờ hướng dẫn cụ thể của UBND phường về các cách thức quản lý tiền công đức và sẵn sàng thực hiện theo quy định.
Cũng với tinh thần đón nhận quy định mới, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Nam Nho cho biết, Trung tâm đã chuẩn bị các bước để thực hiện theo quy định mới như: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép, công khai việc kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận... Việc quản lý tiền công đức được giao cho Phòng Tài chính kế hoạch Trung tâm. Theo đó, Phòng sẽ quản lý sổ công đức, niêm phong hòm công đức, hằng tháng giám sát việc mở, kiểm đếm tiền và gửi Kho bạc Nhà nước.
Các chuyên gia văn hóa cũng đánh giá, khi áp dụng Thông tư 04/2023/TT-BTC, việc tiếp nhận tiền công đức sẽ quy củ hơn và các cơ sở thờ tự, tôn giáo sẽ xây dựng được bộ máy quản lý theo tiêu chuẩn. Các quy định mới vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp, vừa tạo sự tin tưởng, minh bạch và phát huy giá trị di tích, lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.
Hy vọng với quy định mới này, những bất cập trong quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở thờ tự và di tích sẽ được giải quyết triệt để, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.