(HNM) - Tạm gác lại những bộn bề của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và nền kinh tế chưa khởi sắc tại xứ Cờ hoa, Tổng thống Barack Obama vừa có chuyến thăm chính thức hai ngày (16 và 17-11) tới Australia và sau đó tiếp tục đến Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) từ ngày 17 đến 19-11.
Trọng tâm chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng là hợp tác quân sự Mỹ - Australia; đồng thời kỳ vọng củng cố vững chắc hơn quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh của Mỹ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại miền đất đang tăng trưởng mạnh mẽ này.
Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Australia Gillard đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm ở thành phố Darwin, Australia ngày 17-11. |
Trong chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập liên minh quân sự Mỹ - Australia, Tổng thống B.Obama và Thủ tướng nước chủ nhà Julia Gillard đã thống nhất những sáng kiến chung nhằm củng cố liên minh quân sự giữa hai nước. Theo đó, Australia sẽ cho phép mở rộng sự có mặt quân sự của Mỹ tại xứ Chuột túi, nơi được xem là khởi điểm của một trong 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới có liên quan tới Biển Đông (tuyến Đông Á đi Australia, New Zealand, Nam Thái Bình Dương). Cũng theo sáng kiến quân sự chung, từ giữa năm 2012, Australia sẽ đón tiếp các đợt triển khai luân phiên trong vòng 6 tháng của một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ (từ 200 đến 250 binh sỹ) ở vùng lãnh thổ phía Bắc. Hai bên dự định sẽ nâng số lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại Australia lên khoảng 2.500 binh sỹ, tương đương quân số một đơn vị đặc nhiệm đầy đủ trên không và trên bộ.
Sự kiện Mỹ đẩy mạnh chiến lược an ninh quân sự chặt chẽ với đồng minh Australia như một thông điệp khẳng định: Cường quốc này đang trong giai đoạn chuyển hướng các chính sách an ninh khỏi Iraq và Afghanistan đến châu Á - Thái Bình Dương và Washington muốn bảo vệ các lợi ích quốc gia cùng đồng minh trong khu vực. Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu của Tổng thống B.Obama trước Quốc hội Australia ngày 17-11, khi đưa ra một quyết định mang tính chiến lược. Theo đó, nước Mỹ - một quốc gia Thái Bình Dương - sẽ đóng vai trò lớn hơn và lâu dài trong tương lai của khu vực, thông qua việc duy trì các nguyên tắc cốt lõi và quan hệ đối tác với các đồng minh và nước bạn bè. Trong bài phát biểu, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ đang viện trợ cho nhiều nước phát triển và tìm kiếm sự trợ giúp từ những quốc gia có nền kinh tế vững mạnh, độc lập mà Trung Quốc nằm trong số đó. Rõ ràng, Mỹ công khai thúc đẩy hợp tác với các đồng minh trên lĩnh vực an ninh còn nhằm mục đích không để xảy ra xung đột an ninh trong khu vực; làm sao để các quốc gia không bị buộc phải lựa chọn đối tác để hợp tác và không ngả hẳn về bên nào khi xảy ra xung đột. Đây là điều được xem là có lợi nhất cho Mỹ.
Có thể thấy từ đầu năm 2009 đến nay, chính quyền Obama đã công khai chiến lược trở lại châu Á trong một nỗ lực nhằm duy trì vị thế đứng đầu của Mỹ trong cả lĩnh vực an ninh và kinh tế. Hơn một tháng sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton về kế hoạch dịch chuyển trọng tâm ưu tiên của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương (đầu tháng 10), các quốc gia trong khu vực này đã cảm nhận được mối quan tâm thật sự đến từ bờ bên kia Thái Bình Dương với mục đích rõ ràng: Mỹ không chỉ mạnh ở Đại Tây Dương mà còn cả ở Thái Bình Dương. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực không những quan trọng về địa - kinh tế mà còn cả về địa - chiến lược; không những là cửa ngõ nối Mỹ với thế giới mà còn là khu vực có dân số đông (khoảng 1/2 dân số thế giới) cùng với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn. Khi nền kinh tế số 1 thế giới đang ngập trong khó khăn và suy thoái thì chính sách hướng tới khu vực kinh tế năng động này của Tổng thống B.Obama là một lựa chọn đúng và đang mang lại cho nước Mỹ những thành quả bước đầu. B.Obama đã trở thành vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên quan tâm tới Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và tham dự EAS 2011.
Bên cạnh đó, chuyến thăm châu Á - Thái Bình Dương lần này của ông chủ Nhà Trắng còn nhằm mục đích khởi động cho cuộc tái tranh cử năm 2012 đang tới gần khi uy tín về kinh tế của Tổng thống B.Obama đã xuống thấp tới mức kỷ lục. Cử tri Mỹ muốn thấy người đứng đầu nước Mỹ thể hiện vai trò đầu tàu của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Tăng cường quan hệ với một châu Á đang phát triển năng động sẽ giúp nước Mỹ hiện thực hóa mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu, cải thiện tình trạng thất nghiệp và quan trọng hơn là đưa cường quốc số 1 này thoát khỏi cơn suy thoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.