Tía tô, diếp cá, mùi tàu, húng quế, sả... không chỉ là những loại rau quen thuộc, mang lại hương vị riêng trong mỗi bữa ăn của các gia đình mà còn là vị thuốc đặc biệt. Dưới đây là công dụng chữa bệnh kỳ diệu của một số loại rau thơm.
Mùi tàu
Mùi tàu còn gọi là ngò tây, ngò gai, ngò tàu. Cây mùi tàu được nhân dân ta trồng phổ biến khắp nơi, dùng để ăn sống, nấu canh và làm thuốc chữa bệnh. Mùi tàu có vị thơm, tính ấm, mùi thơm hắc, khử thấp nhiệt, thanh uế, mạnh tỳ vị, kích thích tiêu hóa…
Húng quế
Theo Đông y, húng quế có vị cay, tính nóng, có mùi thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau. Quả có vị ngọt và cay, tính mát, có tác dụng tốt cho thị lực. Toàn cây có tác dụng chữa cảm cúm, cảm sốt nhức đầu, nghẹt mũi, đầy bụng, kém tiêu.
Húng bạc hà
Bạc hà là một bài thuốc khá hữu hiệu trong việc chữa trị cảm cúm và các vết côn trùng cắn, giúp lọi tểu hóa, chữa chứng đầy hơi, thấp khớp, nấc cục, thông cổ, trị viêm xoang nhẹ… Dầu bạc hà cay có thể làm dịu cơn hen suyễn nhẹ bằng cách ngửi. Phụ nữ có mang thì nên thận trọng khi dùng vì rất có thể dẫn đến sẩy thai.
Tía tô
Không chỉ là rau gia vị thơm ngon, tía tô còn là cây thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền. Tía tô có hai loại: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm nồng.
Tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa. Cành tía tô có vị cay ngọt, có tác dụng an thai, chống nôn mửa, giảm đau, hen suyễn. Ngoài ra, với giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P... tía tô có tác dụng đẹp da. Chính vì thế, nhiều người đã dùng tía tô như một phương thuốc làm đẹp da ít tốn kém, nhưng hiệu quả
Rau diếp cá
Theo thạc sĩ, Dược sĩ Đoàn Xuân Đinh, Khoa Dược, viện Y học cổ truyền Quân đội cũng cho biết, mùi tanh tanh của rau diếp cá khi vò ra chính là tinh của nó. Tinh dầu này chính là công dụng quý của diếp cá. Lá và phần thân bò trên mặt đất của nó có những chất kết hợp cùng với tinh dầu mang tác dụng điều trị bệnh. Với giá trị làm thuốc thanh nhiệt, giải độc do làm mát huyết trong cơ thể nên trong các trường hợp bị viêm nhiễm trong cơ thể như mụn nhọt, mẩn ngứa có thể dùng rau diếp cá làm mát máu. Hoặc khi bị bệnh đường ruột, bị tiêu chảy cũng có thể dùng diếp cá.
Rau diếp cá có thể dùng để hạ sốt cho trường hợp trẻ sốt mà không muốn dùng thuốc Tây, hoặc phụ nữ có thai không dùng được Tân dược. Rau diếp cá còn có thể dùng để trị táo bón do đại tràng bị nhiệt, hay dùng chữa mụn nhọt, lở ngứa.
Sả
Sả rất tốt cho hệ tiêu hóa, có tác dụng kích thích ra mồ hôi, hạ sốt ở người bệnh cảm và giúp lợi tiểu. Sả còn được dùng để điều trị chứng co thắt cơ, chuột rút, thấp khớp, đau đầu..
Lá lốt
Lá lốt thuộc họ hồ tiêu ( Piperaceae), Lá lốt là loại cây mọc hoang và được trồng ở khắp mọi nơi. Lá lốt có công dụng ấm trung tiêu, ấm dạ dày. Chữa nôn mửa do bị khí lạnh bụng đầy đau. Chữa nhức đầu, đau răng, mũi luôn luôn chảy nước, đại tiện lỏng ra nước, ra máu. Trong nhân dân, lá lốt thường được dùng chữa các bệnh sau: Chữa đau nhức xương khớp, Chữa bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa, ra khí hư, Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân, Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay, Chữa đau rang, Chữa viêm xoang, chảy nước mũi đặc, Giải say nắng, Chữa đau bụng lạnh, đi tiêu phân lỏng, buồn nôn, nấc cụt…
Đinh lăng
Cây đinh lăng là loại cây cảnh khá quen thuộc với nhiều gia đình. Cây đinh lăng không chỉ sử dụng làm rau sống mà còn là một vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa được nhiều chứng bệnh mà bạn không thể ngờ tới.
Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…
Theo Lương y Đinh Công Bảy, tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể chế biến thành thuốc. Từ thân cành lá cho đến toàn bộ rễ và vỏ cây (đã trồng được 3 năm). Rễ làm thuốc bổ, lợi tiểu, cơ thể suy nhược gầy yếu. Lá chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy. Thân và cành chữa tê thấp, đau lưng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.