(HNM) - Những ngày qua, cộng đồng quốc tế luôn hướng về Ấn Độ, nỗ lực tương trợ, sát cánh cùng quốc gia Nam Á này ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19. Những nghĩa cử cao đẹp đó là minh chứng cho thấy sự cần thiết của tình đoàn kết toàn cầu như một giải pháp bao trùm trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Với hơn 300.000 trường hợp dương tính được ghi nhận hằng ngày, Ấn Độ hiện chiếm khoảng một nửa số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trên thế giới. Tình hình được ví như “thảm kịch sóng thần” Covid-19 tại nước này là những gì tồi tệ nhất mà nhiều người lo ngại. Hệ thống y tế rơi vào khủng hoảng; các bệnh viện quá tải; người bệnh không thể tiếp cận kịp thời với thuốc men và phương pháp điều trị; các gia đình chật vật tìm cách cứu sống người thân...
Trước tình trạng này, ngay từ cuối tháng 4, các đợt viện trợ quốc tế đã bắt đầu được đưa đến Ấn Độ để giúp quốc gia gần 1,4 tỷ dân đối phó với làn sóng lây nhiễm đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Máy tạo ô xy, máy thở cùng vắc xin và nhiều loại vật tư y tế khác từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức… được gấp rút chuyển tới quốc gia Nam Á này để chia sẻ bớt khó khăn. Sau khi đã gửi 495 máy tạo ô xy và 200 máy trợ thở, Anh thông báo đang gửi thêm 1.000 máy trợ thở cho Ấn Độ. Máy bay quân sự Mỹ chở hàng viện trợ khẩn cấp đã đến New Delhi vào cuối tháng 4 và xứ Cờ hoa tiếp tục cam kết viện trợ 1.100 bình ô xy, 20.000 liều thuốc và nguyên liệu thô để điều chế khoảng 20 triệu liều vắc xin. Mới đây, vào ngày 5-5, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, nước này sẽ đóng góp tới 5,5 tỷ yên (tương đương 50,3 triệu USD) dưới dạng viện trợ bổ sung cho Ấn Độ…
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan này vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ bằng cách cung cấp thiết bị y tế và bệnh viện dã chiến di động. WHO cũng đưa ra hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà cho các bệnh nhân không thể nhập viện nhằm hỗ trợ tạm thời khi các bệnh viện quá tải. Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ấn Độ trong hoàn cảnh hiện nay. Ông cũng hối thúc chính quyền của Tổng thống J.Biden đóng vai trò dẫn đầu trong kế hoạch ngoại giao y tế dài hạn, bên cạnh các tuyên bố viện trợ trong thời gian gần đây.
Theo học giả Amesh Adalja tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh y tế (Mỹ), nếu đại dịch không được kiểm soát ở mọi quốc gia, toàn thế giới sẽ vẫn gặp rủi ro và chứng kiến sự phát triển của các biến chủng mới có khả năng tác động đến hiệu quả của vắc xin. Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở Ấn Độ đã tạo điều kiện cho các biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện, cản trở nỗ lực và thành quả của thế giới trong việc ngăn chặn đại dịch. Bên cạnh đó, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp vắc xin và thuốc lớn nhất hiện nay. Cuộc khủng hoảng Covid-19 tại nước này đang làm suy yếu khả năng chống đại dịch của thế giới bởi nhiều quốc gia mất đi nguồn cung vắc xin và thuốc quan trọng.
Các chuyên gia lo ngại Ấn Độ sẽ không phải là nơi cuối cùng chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19. Nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp, vẫn rất dễ bị tổn thương do hệ thống y tế kém phát triển và thiếu nguồn cung vắc xin. Trợ giúp Ấn Độ chặn đứng thảm kịch là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Song về lâu dài, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết cho một cách tiếp cận bao trùm và toàn diện hơn về vắc xin, phương pháp điều trị và kiểm soát hiệu quả sự lây lan của vi rút, bởi không riêng ai an toàn trước đại dịch cho tới khi tất cả chúng ta đều an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.