Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng là chủ thể giúp di sản ''sống khỏe''

Bảo Khánh| 13/06/2021 05:12

(HNMCT) - Di sản văn hóa từ lâu vẫn được các cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy giá trị với sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu... Tuy nhiên, để di sản thực sự “sống” và được bảo vệ hiệu quả, vai trò chính vẫn thuộc về cộng đồng. Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) về vấn đề này.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Tăng.

- Thưa ông, vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được khẳng định. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Di sản văn hóa phi vật thể không tồn tại một cách độc lập mà do con người tạo ra. Các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm thủ công, ẩm thực... đều xuất phát từ tri thức và kỹ năng được lưu giữ trong trí nhớ con người. Chỉ khi chúng được thực hành và truyền đạt thường xuyên thì di sản mới được bảo vệ và phát huy giá trị. Điều đó cho thấy vai trò tối quan trọng của các chủ thể - những cộng đồng nắm giữ di sản. Cộng đồng là người có thẩm quyền cao nhất trong việc quyết định những gì có giá trị và phù hợp để gìn giữ và phát huy.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, một số cộng đồng không thể tự bảo vệ di sản mà cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt với những di sản có nguy cơ mai một cao. Di sản muốn “sống khỏe”, ngoài việc được thực hành và truyền dạy thường xuyên, cần hội tụ đủ các yếu tố. Trước tiên là nhận thức và sự đồng thuận từ bên trong cộng đồng. Nếu cộng đồng nhận thấy không còn nhu cầu duy trì hoặc trong bối cảnh xã hội hiện tại, một thực hành nào đó không còn phù hợp thì mọi sự can thiệp từ bên ngoài đều vô nghĩa.

Thứ hai, cộng đồng phải có đủ điều kiện và phương tiện để bảo vệ di sản như không gian thực hành, nguồn lực con người và tài chính... Cần có sự vào cuộc của nhiều bên, trong đó có chính quyền, các cơ quan, nhà nghiên cứu trên tư cách hỗ trợ, giúp cộng đồng nhận diện rõ hơn giá trị di sản, xác định các nguy cơ và thực hiện các biện pháp kỹ thuật tư liệu hóa như ghi âm, ghi hình... nhằm hỗ trợ thực hành và truyền dạy di sản.

Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam là quốc gia thành viên, nhấn mạnh tầm quan trọng của “các cộng đồng, nhóm người, trong một số trường hợp là cá nhân có liên quan” trong bảo vệ di sản. Công ước đòi hỏi mọi biện pháp bảo vệ di sản phải có “sự tự nguyện, đồng thuận trước, được duy trì trên cơ sở đầy đủ thông tin” của cộng đồng chủ thể.

Vì vậy, để phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cần nhận thức rõ hơn về vai trò của mình như là những người đồng hành, và luôn đặt cộng đồng ở vị trí trung tâm.

- Với chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức độc lập, CCH đã đồng hành cùng các cộng đồng như thế nào trong bảo tồn di sản?

- Là một đơn vị chuyên môn do Hội Di sản văn hóa Việt Nam thành lập năm 2007, CCH đã thực hiện nhiều dự án, chương trình về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở các cộng đồng. Chúng tôi luôn đặt mình trong tâm thế của một người đồng hành, là “cầu nối” giữa cộng đồng và chính quyền. Để hiểu rõ giá trị di sản, nắm bắt những vấn đề di sản đang gặp phải và tìm giải pháp thì cần phải lắng nghe và thảo luận với cộng đồng, đặc biệt là những người có vai trò quan trọng như già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người thực hành có uy tín... Bên cạnh đó, chúng tôi tham vấn ý kiến từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu địa phương, và vận dụng các kinh nghiệm quốc tế... để có cơ sở thuyết phục.

Bài học rút ra là cần xây dựng lòng tin với cộng đồng thông qua đối thoại, tránh đối đầu. Cần biến các vấn đề chuyên môn hàn lâm thành những điều cụ thể, dễ hiểu với bà con. Khi đã hiểu, họ sẽ đồng thuận và tự đưa ra giải pháp tốt nhất. Đây là cách chúng tôi làm việc với cộng đồng Hội Gióng Phù Đổng khi xảy ra những bất cập sau khi di sản được UNESCO ghi danh. Hay trường hợp Lễ hội Ném Thượng ở Bắc Ninh, với cách tiếp cận tương tự, cộng đồng đã chuyển từ đối kháng sang hợp tác. Họ đã tự đưa ra giải pháp tốt nhất.

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải làm cho cộng đồng cảm thấy được tôn trọng, được đề cao và khích lệ. Họ phải hiểu rõ việc bảo vệ và phát huy di sản là nhiệm vụ của chính mình.

- Theo ông, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chưa?

- Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Việt Nam đã áp dụng các khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào Luật Di sản văn hóa và văn bản liên quan từ năm 2001 - trước khi Công ước năm 2003 của UNESCO có hiệu lực. Luật sửa đổi và bổ sung một số điều luật của Luật Di sản văn hóa năm 2009 cũng đã bổ sung các khái niệm cập nhật của Công ước, như về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, hay việc đẩy mạnh giáo dục di sản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các chính sách xét tặng, đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân của Chính phủ được ban hành, thực thi trong những năm gần đây là động lực để khuyến khích nghệ nhân trong việc gìn giữ và truyền dạy di sản tại cộng đồng. Các địa phương như Bắc Ninh và Phú Thọ có những chính sách hỗ trợ thiết thực và cụ thể dành cho nghệ nhân quan họ và hát xoan.

Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này tại các địa phương khác gặp khá nhiều bất cập. Thí dụ, khi áp dụng Nghị định 109/2015/NĐ-CP để hỗ trợ các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp ở các địa phương lại vướng các quy định về danh sách hộ nghèo. Hoặc nghệ nhân thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co, đã ghi danh vào Danh sách Đại diện của UNESCO, đến nay vẫn chưa nhận được hình thức hỗ trợ nào.

Chúng tôi mong rằng, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến được với nghệ nhân, người thực hành di sản.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo cụ thể về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một. Hiện nay, cả nước đã có gần 400 di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 21 di sản của Hà Nội. Để bảo vệ hiệu quả hơn nữa các di sản nằm trong Danh mục, cũng như những di sản có giá trị đang có nguy cơ mai một cao nhưng chưa được ghi danh, thiết nghĩ, chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí và công cụ để nhận diện rõ hơn các di sản cần được ưu tiên bảo vệ và xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để Nhà nước ưu tiên nguồn lực bảo vệ những di sản này.

- Bên cạnh chính sách của Nhà nước, cộng đồng cần có sự chung tay hỗ trợ như thế nào để làm tốt vai trò của mình, thưa ông?

- Trước hết, để bảo vệ và phát huy tốt di sản, cộng đồng cần có sự chủ động hơn trong bảo vệ di sản của chính họ. Việc bảo đảm thực hành và truyền dạy thường xuyên phải xuất phát từ nội lực của cộng đồng. Chính sách sẽ khó được thực thi nếu không có sự hợp tác đầy đủ, và ngược lại, không có sự hỗ trợ nào là vĩnh viễn. Vì thế, cộng đồng cần tránh tâm lý trông chờ vào Nhà nước.

Thứ hai, cộng đồng cần được nâng cao nhận thức hơn để hiểu rõ quyền của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Họ cần nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, không nên chỉ thụ động cung cấp thông tin cho cán bộ, nhà nghiên cứu mà phải tích cực tham gia thảo luận, xây dựng các biện pháp bảo vệ di sản của chính mình. Trên thực tế, có những cộng đồng hiểu rõ thẩm quyền và việc sở hữu di sản của mình. Họ biết cách để bảo vệ các luật tục, quy định theo truyền thống, và cho phép người ngoài tiếp cận di sản của họ theo từng mức độ. Thậm chí có cộng đồng tự xây dựng hồ sơ đề cử di sản.

Tuy vậy, không phải cộng đồng chủ thể nào cũng có được sự chủ động bảo vệ di sản. Vì vậy, cần có sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức... để nắm bắt thực trạng, nhu cầu và tâm tư, nguyện vọng của họ để có những giải pháp hiệu quả, lâu dài.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng là chủ thể giúp di sản ''sống khỏe''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.