(HNM) - TP Hà Nội đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Đây là giải pháp cần thiết nhằm giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá thuốc, đồng thời giúp cơ quan chức năng có thêm công cụ quản lý thuốc...
Đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. |
Lợi cả đôi đường
Với 1.160 cơ sở bán buôn, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc, Hà Nội là trung tâm sản xuất và phân phối dược phẩm lớn. Thời gian qua, công tác quản lý dược trên địa bàn thành phố đã được chú trọng. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là kháng sinh.
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý việc phân phối thuốc, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nhà thuốc/quầy thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh và tủ thuốc trạm y tế xã, hoàn thành trong năm 2018.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, tất cả cơ sở buôn bán thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc thông qua phần mềm máy tính. Phần mềm này giúp cập nhật những loại thuốc đã được cấp phép và cơ sở chỉ được bán những loại này. Việc công khai dữ liệu về thuốc giúp nâng cao hiệu quả quản lý dược, hạn chế việc kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đồng thời giúp kiểm soát được giá thuốc cũng như việc bán và sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, việc kết nối mạng còn giúp hạn chế tình trạng người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược nhưng vẫn tự ý tư vấn, bán thuốc kháng sinh.
Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) cho rằng, khi ứng dụng phần mềm nói trên, Sở Y tế sẽ nắm được hoạt động của từng cơ sở, có thể truy xuất đầy đủ thông tin về thuốc như số đăng ký, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ sở cung cấp thuốc, giá bán lẻ, số lô, hạn dùng, số lượng nhập, số lượng bán, số lượng tồn…
Trước đây, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc được tiến hành thông qua sổ sách, mất khá nhiều thời gian, nay thì chỉ cần vào mạng là có được dữ liệu tương đối đầy đủ. Với người dân, họ có thể so sánh giá để mua thuốc với chi phí hợp lý qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website…
Hiện tại, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông… đã triển khai rất tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này. Dược sĩ Chu Xuân Thanh, Khoa Dược (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) chia sẻ, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, đội cấp phát thuốc của bệnh viện cần khoảng 7 người mới đủ phục vụ 600 bệnh nhân/ngày, nhưng nay chỉ cần 4 người.
Đặc biệt, khi đã ứng dụng công nghệ thông tin thì 100% số thuốc cấp đến bệnh nhân là chính xác, không còn tình trạng cấp nhầm. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều tiện theo dõi về số lượng thuốc, liều lượng dùng hằng ngày. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị bệnh tốt hơn, nhất là với người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp… Đơn thuốc sử dụng được lưu lại, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định tăng hoặc giảm liều lượng thuốc để điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Không tuân thủ sẽ bị xử lý
Theo ông Trần Văn Chung, trong thời gian đầu, việc kết nối mạng ở các nhà thuốc có thể gặp khó khăn. Một số nơi có thể bất hợp tác khi phải tăng chi phí để trang bị máy tính và kết nối mạng, phải cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn... Để giải quyết những khó khăn này, dự kiến ngày 4-10 tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại các quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quy định bán thuốc theo đơn; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn về công nghệ thông tin cho cán bộ cấp sở, quận, huyện và các dược sĩ trực tiếp bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều người lo ngại. Đó là, khi ứng dụng công nghệ thông tin, nếu nhà thuốc không cập nhật dữ liệu thuốc theo quy định thì cơ quan chức năng làm cách nào để loại bỏ tình trạng bán thuốc “chui”? Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Hoài, Tổ trưởng Tổ đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, việc các nhà thuốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin là quy định bắt buộc, nơi nào không chấp hành sẽ bị xử lý.
Hiện Bộ Y tế đang rà soát, dự kiến bổ sung mức phạt đủ sức răn đe những cơ sở không chấp hành quy định. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, còn có hình thức phạt bổ sung như: Tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược…
“Trong quá trình hoạt động, ngoài định kỳ kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, các nhà thuốc còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của Bộ Y tế, Sở Y tế, lực lượng quản lý thị trường… Cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, bà Nguyễn Minh Hoài nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.