Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bộc của dân phải là người tử tế!

PGS.TS Phạm Xuân Hằng| 04/01/2016 06:10

(HNM) - Cuộc đời con người so với vũ trụ quả là nhỏ bé vô cùng. Sự vận động của cuộc sống luôn trong xu hướng biến đổi, số phận con người gắn chặt với số phận dân tộc. Việt Nam ta là một đất nước trải nhiều binh đao nhất thế giới bởi sự xâm lăng của bao đời bành trướng phương Bắc, của đế quốc Đông, Tây. Một dân tộc từng "đội bom" đứng dậy sáng lòa để khẳng định mình suốt hàng ngàn năm. "Nhật nguyệt bĩ rồi lại sáng", cuối thế kỷ XX cho đến nay, đất nước ta đã khẳng định thế và lực của mình trên trường quốc tế. Cuộc sống của con người đa phần đã và đang đổi thay cùng đất nước.

Một phần ba thế kỷ, đất nước trên đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại, tuy vậy, chính Đảng ta cũng nhiều lần trăn trở sao lòng dân vẫn chưa yên. Thiên hạ phát triển bằng khoa học, giáo dục, văn hóa và nguồn nhân lực lao động có năng suất cao, còn nước ta phát triển bằng năng suất lao động thấp, bằng khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi, bằng tầm nhìn lợi ích trước mắt làm cho tài nguyên đất nước ngày một vơi dần. Tiềm năng và lợi thế đất nước chưa được khai thác, sử dụng, phát huy một cách có khoa học và hiệu quả. Văn hóa nền tảng tinh thần xã hội vẫn đang ẩn chứa nhiều yếu tố hệ lụy. Đặc biệt, quốc nạn tham nhũng, lãng phí vẫn đang là điều nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của đất nước ta là do đâu? Chính là "một bộ phận không nhỏ" làm méo mó đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để mưu lợi cá nhân. Đây là những linh hồn tạo dựng nhóm lợi ích; là môi trường làm nảy sinh tư duy nhiệm kỳ, nhất là "nhiệm kỳ hoàng hôn". Thiển nghĩ rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do những con người không tử tế gây ra.

Một nhiệm kỳ phòng, chống tham nhũng, lãng phí tuy đã có bước tiến, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí sinh ra ngay trong lòng chủ thể chống tham nhũng, lãng phí thì phức tạp và nan giải là đương nhiên, nhưng không phải không thể hóa giải được. Bức tranh phòng chống ấy ta có thể nhận thức được qua lời một vị lãnh đạo cao cấp Nhà nước khi tiếp xúc cử tri rằng "một bộ phận không nhỏ, bây giờ không biết chúng nằm ở đâu, dân hỏi mãi, chỗ này chúng ta còn lúng túng"… Dư luận nghe, đọc những lời bộc bạch ấy càng thấy rõ trong đội ngũ của Đảng ta cần phải có nhiều con người tử tế hơn, cần quy tụ cao hơn sức mạnh lòng dân mới hóa giải nổi quốc nạn này.

Nhân tố con người luôn quyết định sự thành bại của mọi công việc, con người tử tế thì công việc sẽ hiệu quả, con người không tử tế thì công việc trì trệ, đất nước nghèo thêm. Để nghị quyết của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII sắp tới đi vào cuộc sống thì người đứng đầu cấp ủy phải tạo dựng môi trường hình thành con người tử tế trong cấp ủy của mình bằng trí tuệ, bản lĩnh và tầm văn hóa của Đảng cầm quyền. Nếu không, cũng chỉ làm cho cuộc chiến chống "quốc nạn" giậm chân tại chỗ và trầm trọng thêm.

Một câu hỏi đặt ra các "công bộc của nhân dân" đã tử tế chưa thì theo logic Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, trong Đảng còn "một bộ phận không nhỏ" sống và làm việc chưa tử tế. "Con người công bộc của dân" phải là người tử tế gương mẫu nhất, biết dĩ công vi thượng, biết chí công vô tư. Nhưng hiện trạng bức tranh công bộc của ta, vẫn còn một bộ phận lại hành xử theo hướng ngược lại, tức "dĩ tư vi thượng" hoặc "chí tư vô công" nên cuộc chiến đấu làm trong sạch nội bộ hệ thống mới gian nan, vất vả đến như vậy.

Một công bộc của dân tử tế là một con người biết tự trọng, trung thực, giữ gìn được danh dự. Chỉ khi biết tự trọng thì mới có lòng trọng dân thực chất; trung thực với chính mình mới trung thực với dân, với Đảng chân thành, biết tự giác giữ gìn danh dự cá nhân thì mới nói đến giữ gìn danh dự của tổ chức đảng. Ngược lại những tố chất trên là vô liêm sỉ, là dối trá, nói không đi đôi với làm. Bản chất tham lam của "bộ phận không nhỏ" sẽ phá hoại Đảng, chế độ từ bên trong, nó nguy hiểm gấp trăm lần "diễn biến hòa bình" từ bên ngoài. Đúng hơn, tự diễn biến bao giờ cũng "nguy hiểm" hơn diễn biến từ bên ngoài. Nếu kỷ luật Đảng không nghiêm thì xã hội sẽ hình thành một ma trận mạng lưới "nhóm lợi ích" đa sắc màu của quan hệ "sân sau" - "sân trước" làm đất nước không phát triển được.

Trách nhiệm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ; thực hành hiệu quả tự phê bình, phê bình trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của từng tổ chức Đảng từ Trung ương xuống cơ sở. Báo cáo chính trị Đại hội XII nêu rõ: "Tổ chức bộ máy của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhưng nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ…". Sự cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ của một số tổ chức làm cho hiệu lực, hiệu quả hoạt động không cao và cũng là môi trường sinh ra những con người không tử tế.

Trong cuộc chiến này, trí tuệ, bản lĩnh và văn hóa của mỗi đảng viên, nhất là đảng viên - cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy được thể hiện rất khác nhau qua thực tế công việc. Có cấp, có người hành động theo tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và tâm lý "mũ ni che tai", "dĩ hòa vi quý" thì không thể nói đến trí tuệ, bản lĩnh và văn hóa "công bộc của dân". Hậu quả là nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không thể phát huy trong đời sống xã hội. Tư duy và tâm lý ấy làm thui chột tư duy sáng tạo, bản lĩnh chiến đấu và sức sống văn hóa trong một tổ chức và trong hoàn cảnh ấy, khó có thể tìm được những con người sáng suốt có trí tuệ, bản lĩnh, tố chất văn hóa để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hy vọng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng lần này sẽ tạo ra bước đột phá về đổi mới Đảng theo hướng trong sạch, vững mạnh, thực hành dân chủ, đoàn kết trên thực tế làm sức sống lan lỏa và dẫn dắt đoàn kết dân tộc và bảo đảm năng lực cầm quyền thông qua lãnh đạo nhà nước và xã hội có hiệu quả, hiệu lực và thiết thực với cuộc sống. Trước hết, khẩn trương ngăn chặn và đẩy lùi càng sớm càng tốt sự "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI) để Đảng ta thực sự trong sạch và có điều kiện nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân để Đảng "là đạo đức, là văn minh" như Bác Hồ đã từng tự hào.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước hết là bổn phận tự thân của Đảng, trong đó phải xây dựng được cơ chế trách nhiệm cá nhân cụ thể trước sứ mệnh cầm quyền, trước pháp luật, trước nhân dân, đất nước, tránh cái gọi là trách nhiệm chính trị chung chung dễ dẫn tới vô trách nhiệm. Thực tiễn cho thấy vận dụng trách nhiệm chính trị chưa đầy đủ dễ rơi vào tình trạng nửa vời, kết quả là "hòa cả làng", "kẻ sai, người đúng cùng thắng", dân thua thiệt, đất nước nghèo dần. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và hiệu quả quản lý của chính quyền đang là một đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay. Làm được việc lớn này phải là đội ngũ công bộc tử tế.

Xã hội loài người thông qua lao động (vật chất và tinh thần) mà sản sinh nhiều giá trị văn hóa, chính văn hóa nâng đỡ con người ngày một phát triển để tiếp tục sáng tạo ra giá trị văn hóa mới. Chỉ trong môi trường văn hóa mới sản sinh ra những con người tử tế. Đảng và nhân dân đang trăn trở làm thế nào để có môi trường văn hóa lành mạnh? Hiển nhiên, trong xã hội ta, nhân tố thu hút, tập hợp, lan tỏa văn hóa chính là sự trong sạch của Đảng. Để trong sạch, tổ chức Đảng phải vững mạnh và muốn vững mạnh thì phải khỏe về trí tuệ, sạch về tâm hồn. Một môi trường lành mạnh về văn hóa phải là nơi không dung thứ tâm lý "dĩ hòa vi quý", "dễ người, dễ ta", "mũ ni che tai" để cùng lợi, cùng tiến. Môi trường văn hóa cầm quyền không dung nạp được những kiểu hành xử đó, nếu muốn vững mạnh để giữ gìn sự trong sạch. Trong sạch và vững mạnh là hai tố chất tương hỗ nhau trong quá trình xây dựng Đảng và cội nguồn sinh ra những công bộc tử tế.

Để đất nước phát triển, để quy tụ lòng dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rất mong những nhân sự, nhất là những nhân sự chủ chốt được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tín nhiệm, hãy thể hiện mình là "công bộc" thực sự tử tế của nhân dân, nêu gương thực hành dân chủ, đoàn kết, nói đi đôi với làm để Nghị quyết Đại hội XII đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bộc của dân phải là người tử tế!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.