Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Hà Phạm| 12/04/2023 12:34

(HNMO) - Ngày 12-4, tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức lễ công bố thành lập thành phố Tân Uyên trực thuộc tỉnh. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Lễ công bố thành lập thành phố Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên có ý nghĩa rất quan trọng. Việc này tạo tiền đề và động lực để thành phố Tân Uyên tiếp tục tập trung đầu tư mọi nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị công nghiệp năng động - hiện đại - văn minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại của tỉnh Bình Dương.

Để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tân Uyên cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao; mở rộng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố thành lập thành phố Tân Uyên.

Trước mắt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, thành phố Tân Uyên cần khẩn trương sắp xếp bộ máy các cơ quan tổ chức ở địa phương, tập trung thực hiện nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, có các giải pháp về quản lý nhà nước về đất đai, xác định rõ diện tích đất trồng lúa, diện tích đất được chuyển đổi sang mục đích khác. Kiểm soát tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập; bố trí quỹ đất, đầu tư nhiều hơn, nhanh hơn cho vấn đề nhà ở xã hội cũng là những đầu việc quan trọng của chính quyền thành phố.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên, trực thuộc tỉnh Bình Dương. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 10-4-2023.

Thành phố Tân Uyên luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương.

Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích 191,76km2, dân số 466.053 người. Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 2 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội.

Thành phố Tân Uyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai cùng với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương như thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên.

Trong những năm qua, Tân Uyên luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu. Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5.297,55 triệu USD.

Thành phố Tân Uyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm.

Giai đoạn 2021-2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025.

Như vậy, sau khi thành phố Tân Uyên được thành lập, tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên), 1 thị xã (Bến Cát) và 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên); 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 45 phường và 5 thị trấn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bố thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.