Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố những phát hiện khảo cổ học mới về di tích Óc Eo - Ba Thê

Linh Tâm| 25/03/2022 17:05

(HNMO) - Ngày 25-3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố các kết quả thực hiện Đề án Khảo cổ học văn hóa Óc Eo qua ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”.

Khai quật khảo cổ tại di tích Gò Giồng Cát (Khu A) thuộc Khu di tích Óc Eo.

Thông qua kết quả này, các nhà nghiên cứu đã hé lộ những phát hiện mới, có giá trị về văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang) và Nền Chùa (Hòn Đất, Kiên Giang). Đây cũng là cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.

Hình bóng đô thị cổ trong quá khứ

Trong lịch sử, Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng không chỉ ở khu vực Nam Bộ, Việt Nam mà còn cả trong khu vực châu Á và có liên quan mật thiết tới lịch sử hình thành, phát triển của vương quốc Phù Nam vào đầu Công nguyên. Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa Óc Eo được các học giả người Pháp phát hiện từ cuối thế kỷ XIX, trong đó, dấu mốc quan trọng đầu tiên là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện năm 1944. Theo ông, văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của văn minh Phù Nam - Ấn Độ, với di tích Óc Eo được xác định là trung tâm lớn và quan trọng nhất của nền văn hóa này. 

Khai quật khảo cổ tại di tích Lung Lớn (Khu di tích Óc Eo). 

Những nhận định của nhà khảo cổ học L. Malleret đã gợi mở cho giới khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về di tích Óc Eo - Ba Thê, nền văn hóa Óc Eo, vương quốc Phù Nam và di tích Nền Chùa. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” (gọi tắt là Đề án Óc Eo). Đề án được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện từ năm 2017-2021, với sự tham gia của 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam là Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. 

Từ năm 2017-2020, nhiều cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, gồm hai khu vực địa hình là cánh đồng Óc Eo và núi Ba Thê, trên không gian rộng 160ha. Sau 3 năm thực hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng, thành tựu quan trọng nhất của đề án là đã minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử. Đây là một trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của vương quốc Phù Nam. Trong đó, Óc Eo đóng vai trò là một đô thị hay là một thành phố ven biển và kết nối với biển Tây Nam thông qua cửa ngõ giao thương là Nền Chùa và các tuyến thủy lộ trong vùng. Ba Thê đóng vai trò là một trung tâm tôn giáo lớn của Vương quốc Phù Nam, và là một cấu trúc chung không thể tách rời của không gian đô thị Óc Eo.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa không chỉ có vai trò quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam mà còn có mối quan hệ giao thương rộng mở với nhiều vương quốc cổ ở châu Á thông qua con đường hải thương quốc tế, đồng thời là một đô thị sầm uất, nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên. Khu di tích quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hóa của nhân loại.

Toàn cảnh Khu di tích Nền Chùa.

Cơ sở xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa thế giới

Tại Lễ công bố kết quả thực hiện đề án ngày 25-3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng giới thiệu cuốn sách “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”. Đây là công trình công bố bước đầu về những kết quả thực hiện của Đề án nghiên cứu văn hóa Óc Eo năm 2017-2020, cũng là tư liệu quý, cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê vào Di sản văn hóa thế giới. 

Đánh giá ấn phẩm này, Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ, ông đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu các vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hóa Óc Eo, bởi: “Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là việc minh chứng sinh động cho tiêu chí thứ năm - tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản nếu như trong thời gian tới Việt Nam xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hóa Óc Eo tại di tích Ba Thê - Óc Eo”.

Bìa sách “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”; đồ trang sức được tìm thấy tại di tích Nền Chùa.

Từ những kết quả của Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” và cuốn sách “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa  2017-2020”, một lần nữa, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ có thêm một di sản văn hóa thế giới trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố những phát hiện khảo cổ học mới về di tích Óc Eo - Ba Thê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.