(HNM) - Theo quy định của Luật Giáo dục đại học (ĐH), các trường ĐH sẽ được phân thành ba nhóm, gồm: Nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Nhằm thực hiện Luật, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ ban hành các văn bản quy định về vấn đề này trong quý II năm 2013.
Tuy nhiên, văn bản đến nay vẫn án binh bất động vì vẫn còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một trong những tranh cãi gay gắt là vấn đề xây dựng, phát triển các trường ĐH nghiên cứu với điều kiện tiên quyết là các kết quả nghiên cứu cần phải được công bố quốc tế.
Năm 2013, GS Phạm Hùng Việt (bên phải - ĐH Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự đã có công trình công bố trên tạp chí nổi tiếng thế giới Nature. |
Một mình một kiểu
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chính, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), công bố quốc tế là một tiêu chí quan trọng trong xếp hạng và đánh giá năng lực của các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, mà trước hết là khẳng định năng lực của đội ngũ các nhà khoa học của trường ĐH đó. Các công trình nghiên cứu về KHXH&NV ở Việt Nam hiện nay tuy có số lượng nhiều song các công bố quốc tế còn rất khiêm tốn. Nếu so tỷ lệ công trình khoa học được công bố trên 1 triệu dân thì Việt Nam nằm ở nhóm có tỷ lệ công bố thấp nhất của khu vực.
Trên thực tế, việc thẩm định một bài báo khoa học để đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế là rất khó khăn, nhiều tác giả có thể phải đợi một, thậm chí hai năm. Tỷ lệ từ chối của các ấn phẩm khoa học hàng đầu thế giới là hơn 90%, ở các tờ tạp chí khoa học nhỏ hơn là 50%. Phần lớn bài bị từ chối do không có tính độc đáo, độc lập, không có tính mới.
Nhiều người cho rằng, một trong các lý do quan trọng của tình trạng ít có công trình được công bố là đầu tư cho một đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH Việt Nam hiện quá khiêm tốn.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Văn Chính cho rằng, hình thức tổ chức các đề tài hiện là một hạn chế rất lớn làm các đề tài bị tiêu tán các nguồn lực mà không cho ra kết quả nào đáng kể. Tổ chức nghiên cứu các đề tài theo kiểu "lắp ghép" như hiện nay không hiệu quả mà còn làm mất đi cá tính sáng tạo của nhà khoa học, khó mang lại phát hiện mới.
Nói riêng trong lĩnh vực khoa học xã hội, PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Việt Nam có ít công bố quốc tế là do không chia sẻ với thế giới cùng một phương pháp luận nghiên cứu, tạm gọi là phương pháp luận khoa học xã hội. Do đó, những kết quả nghiên cứu sẽ khó có thể được hiểu và đăng tải. Đây là một thiệt thòi lớn cho khoa học nước ta.
Theo thống kê của tổ chức ISI (Institute of Scientific Information - Viện Thông tin Khoa học), năm 2009, 4 ĐH hàng đầu Việt Nam có 160 công bố quốc tế, trong đó có 87 công bố khoa học có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài, nghĩa là chỉ có khoảng 50% công bố là do các nhà khoa học Việt Nam đứng tên. Số công bố của 4 ĐH hàng đầu Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam một năm không bằng số công trình công bố của trường ĐH hàng đầu của Thái Lan là Chulalongkon. |
Phải quen với việc chuẩn hóa
Để thúc đẩy các công bố quốc tế, PGS-TS Nguyễn Văn Chính đề xuất: Ngoài việc xem công bố quốc tế như là tiêu chí để xem xét thi đua khen thưởng và công nhận các chức danh khoa học, các tiêu chí công bố quốc tế cần phải được đưa vào các tiêu chí đề tài dự án nghiên cứu. Những đề tài khoa học có báo cáo tại các hội thảo quốc tế cần được hỗ trợ qua một quỹ dành cho cán bộ khoa học công bố quốc tế.
GS-TS Đoàn Thiện Thuật (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Khả năng hội nhập được đánh giá qua tiêu chí công trình khoa học công bố quốc tế là điều kiện nhất thiết khi xây dựng ĐH nghiên cứu. Để làm được điều đó, chúng ta phải đề cao việc dịch thuật, dịch các lý luận khoa học quốc tế để cập nhật vào thực tế nghiên cứu trong nước; dịch các bài báo khoa học có chất lượng để công bố quốc tế. Trên thực tế chúng ta có không ít các kết quả nghiên cứu có tầm cỡ nhưng nhiều tác giả không thể tự viết bằng tiếng Anh. Do đó rất cần có một bộ phận chuyên nghiệp dịch tiếng Anh để hỗ trợ cán bộ khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường cần tích cực cử cán bộ đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại các đại học tiên tiến của nước ngoài. Họ không chỉ được học tập mà còn làm nghiên cứu, thậm chí có các công bố khoa học ngay khi đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Họ có ngoại ngữ tốt và hiểu biết về các quy tắc công bố quốc tế cũng như cập nhật được tình hình nghiên cứu trên thế giới. Mặt khác, để công bố quốc tế, chúng ta phải quen với việc chuẩn hóa các quy trình theo thông lệ, tiêu chuẩn, hình thức của quốc tế chứ không được làm riêng biệt một mình một kiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.