(HNMO) - Chiều 5-6, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề về Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng.
Theo đánh giá về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển về dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam đã có những tiến bộ: Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các cấp, ngành cần phải nỗ lực hơn nữa.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hai nội dung căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai nội dung này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Nếu như cách làm dịch vụ công trực tuyến trước đây là theo kiểu ứng dụng công nghệ thông tin; thì cách tiếp cận mới là chuyển đổi số. Sự khác biệt cơ bản của 2 cách làm này là, thay vì làm các hệ thống công nghệ thông tin rời rạc thì dùng các nền tảng số dùng chung; thay vì tự làm, tự đầu tư thì thuê dịch vụ, cho cả phần cứng và phần mềm.
Hội nghị thống nhất nhiều giải pháp quan trọng các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới. Đó là sẽ công bố tiêu chuẩn chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến và tiến hành đánh giá, công bố chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến của tất cả bộ, ngành, địa phương. Đơn giản hóa, chuẩn hóa hồ sơ, quy trình thực hiện cho 25 dịch vụ công thiết yếu. Nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến lên bản mới nhất. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động. Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2023, các bộ, ngành, địa phương sử dụng bộ phận "một cửa" điện tử để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, để sau đó tự làm từ nhà, nhất là đối với các dịch vụ công đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trên môi trường số, giảm mạnh việc người dân đến bộ phận "một cửa" điện tử, có chính sách ưu tiên dịch vụ công trực tuyến, như thời gian trả kết quả nhanh hơn, giá dịch vụ giảm.
Từ ngày 10-6 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức đánh giá Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và công bố kết quả vào cuối tháng 6-2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.