(HNM) - Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức, Giáo sư - Bác sĩNguyễn Thị Trúc đã cùng chồng mình là GS, BS Trần Văn Sáng (quê ở TP Hồ Chí Minh) vượt qua bao nhiêu khó khăn để có nhiều đóng góp cho ngành y học nước nhà.
Dù đã bước qua tuổi 84 nhưng GS, BS Nguyễn Thị Trúc vẫn còn rất minh mẫn khi ôn lại những chặng đường đã qua cùng với chồng mình. Với hai ông bà, năm nay là năm đặc biệt đánh dấu 60 năm họ trở thành vợ chồng. Chừng ấy năm cũng là quá dài để khẳng định cho con đường sự nghiệp cũng như hạnh phúc vững bền của gia đình ông bà. Năm 1946, cô gái trẻ Nguyễn Thị Trúc chính thức trở thành sinh viên Trường Đại học Y dược Hà Nội (nay là Đại học Y Hà Nội). Trong quãng thời gian 6 năm học ở trường thì việc gặp GS Trần Văn Sáng được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà, bởi họ đã gắn bó bên nhau từ ngày đó.
Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng GS Nguyễn Thị Trúc vẫn duy trì thói quen đọc sách báo. |
"Trong những năm đầu tôi luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập, nhưng khi chồng tôi vào học thì vị trí ấy phải nhường lại cho ông", bà Trúc vui vẻ nói. Thế nhưng, sau khi ra trường hai ông bà lại đi theo hai ngành khác nhau. Nếu như GS Trúc gắn bó với nội khoa thì GS Sáng lại đi theo ngành ngoại khoa. Và GS Trúc có nhiều công trình nghiên cứu về chữa trị bệnh tim mạch, gây mê hay sốt rét thì GS Sáng lại là một trong những bác sĩ đầu tiên mổ thành công về sỏi thận và ghép thận.
Chúng tôi có dịp ghé thăm hai vợ chồng ông bà trong một ngày se lạnh cuối năm. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ tại quận 11, những dấu ấn của thời gian hiện diện trên những bức tường, bàn làm việc hay những kệ sách… Đó là những tấm hình, cuốn tư liệu, những tấm bằng khen… của hai vợ chồng trong sự nghiệp. Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông bà vẫn là ròng rã 6 tháng trời cùng nhau vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam (từ tháng 11-1966 đến tháng 5-1967). Với bà Trúc đó là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời bởi đây là lần đầu tiên một bác sĩ nữ vượt Trường Sơn vào miền Nam. "Thực hiện chỉ đạo của Nhà nước phải có mạng lưới y tế khắp chiến trường miền Nam cho dân và quân y. Về dân y do hai vợ chồng tôi phụ trách. Tôi phụ trách nội khoa tim mạch, còn chồng tôi phụ trách về ngoại khoa để đào tạo các thế hệ y, bác sĩ cho chiến trường", bà Trúc chia sẻ.
Trong quãng thời gian đó, với điều kiện khó khăn, thiếu thốn vật chất và tinh thần nhưng vợ chồng ông bà đã cùng đội ngũ y, bác sĩ vượt lên gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc và chữa bệnh cho các thương, bệnh binh. "Có những thời điểm, suốt một tháng trời chúng tôi phải tiếp nhận khoảng 2.500 thương bệnh binh, trong khi điều kiện lán trại chỉ có 500 hầm hố (gấp 5 lần so với dự kiến)", bà Trúc nhớ lại. "Gay go nhất là làm sao có chỗ để tiếp nhận được số lượng anh em thương binh trên; chưa kể phải tiếp nhận vào ban đêm nên cần có ánh sáng để nhận diện mà không bị máy bay địch phát hiện?", GS Sáng tiếp lời: "Trong điều kiện khó khăn đó, chúng tôi đã nghĩ ra một cách rất độc đáo. Cụ thể, trong một đêm có khoảng 100 anh em được đưa đến bằng xe bò thì đích thân vợ chồng tôi nói với thương binh trong chòi có chuẩn bị sẵn thuốc, nước, giường chiếu… để mọi người có thể tự vào đó nghỉ ngơi. Ngay lập tức, có khoảng 70 anh em vào chòi, nhờ đó mới biết được số này có thể điều trị vào sáng hôm sau. Số còn lại, vợ chồng lại nói với các hộ lý ra cáng các anh em xuống để có thể điều trị ngay. Đây được xem là sự thành công lớn bởi đã điều trị đúng người, đúng bệnh và rất kịp thời", GS Sáng nhớ lại.
Sau năm 1974, hai vợ chồng GS được Nhà nước cử đi học tại Hungari trong vòng 3 năm (từ cuối năm 1974 đến 1977) về chuyên khoa nội và ngoại. Hòa bình lập lại, GS Trúc đã cùng chồng mình ở lại TP Hồ Chí Minh công tác. Năm 1978, hai vợ chồng làm việc tại Trường Y khoa Sài Gòn (nay gọi là Trường ĐH Y dược), lúc này GS Trần Văn Sáng là Phó Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, còn GS Trúc là Phó Trưởng khoa Nội về tim mạch. Sau đó, GS Sáng về Bệnh viện Chợ Rẫy và là một trong những người đầu tiên xây dựng khoa Tiết niệu và khoa Ghép thận của bệnh viện. Hai vợ chồng GS Sáng còn nhận được rất nhiều lời mời của nhiều trường và các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
Bây giờ, dù đã nghỉ hưu hơn 10 năm, ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng hằng ngày hai vợ chồng GS Sáng vẫn bên nhau trao đổi chuyên môn nghiên cứu và viết sách, như họ vẫn cùng nhau tâm niệm: Còn sức khỏe, còn minh mẫn là còn cống hiến cho đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.