Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Con ơi, ráng giữ lấy nghề dệt Zeng !"

TRONGQUANG| 19/05/2004 10:06

Một câu chuyện tưởng như là huyền thoại. Một thiếu nữ miền Bắc gần 30 năm nay làm cái nghề mà người dân tộc không bao giờ dạy cho ai cả. Chị học “mót” với niềm say mê, để rồi trở thành người làm cái nghề ấy đẹp nhất vùng, rồi đem nghề ấy dạy lại cho người dân tộc. Đó là nghề dệt Zeng, như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên và Tây Bắc.

"Bé" Vân, con gái chị Hòa bên khung dệt.

Một câu chuyện tưởng như là huyền thoại. Một thiếu nữ miền Bắc gần 30 năm nay làm cái nghề mà người dân tộc không bao giờ dạy cho ai cả. Chị học “mót” với niềm say mê, để rồi trở thành người làm cái nghề ấy đẹp nhất vùng, rồi đem nghề ấy dạy lại cho người dân tộc. Đó là nghề dệt Zeng, như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên và Tây Bắc.

“Đời chị vất vả lắm em ơi!”


Tôi gặp chị trong một ngày đẹp trời trên A Lưới. Mới gặp nhau, chị đã rất vồn vã với chất giọng Kinh pha Thượng: “Mình là Bùi Thị Hoà ở xã phú Vinh huyện A Lưới của Huế. Mình theo chồng vô đây gần 30 năm rồi.” Chị khoe rằng, mình biết tới bốn “ngoại ngữ” là tiếng Tà Ôi, Kơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy. Tôi đang ngạc nhiên thì chị đã làm một tràng tiếng dân tộc khiến mọi người trong nhà cười nhộn lắm. Bé Vân con gái chị phiên dịch lại cho tôi là “mẹ giới thiệu với anh quê mẹ ở Hoà Bình, theo chồng vô đây gần 30 năm rồi”.

Năm 1973, anh Võ Trung Y lúc ấy là thương binh, đang an dưỡng tại một cơ sở gần nhà chị, hay đến nhà chị chơi, rồi hai người yêu nhau. Lúc đó chị Hoà mới 26 tuổi,trẻ trung xinh đẹp. “Anh Y là, - chị kể bằng giọng Kinh pha Thượng- người dân tộc Tà Ôi, thoát ly và ra Bắc năm 1959. Đến 1975 đất nước thống nhấ thì cưới mình, và đưa mình về A Lướilập nghiệp. Thời ấy ở vùng này hoang sơ lắm, chỗ mô cũng toàn núi rừng bạt ngàn thôi, đã thế lại không quen con người, phong tục nữa nên mình sợ lắm thôi. Hồi nhỏ nhà mình đông anh em nên học cái chữ ít, lại không có nghề chi trong tay. Nơi rừng núi bạt ngàn ni buồn và nhớ cha mẹ da diết lắm. Vô đây lúc đầu không biết mần chi hết. Ngay cả cái rẫy, gùi con, gùi củi đều do chồng dạy cho hết. Thời đó khổ vô cùng vô tận, mới giải phóng xong, dưới xuôi cực một, thì vô ni cực mười. Nói thiệt, đời chị khổ lắm em ơi, không sướng mô. Mới lên đây bà con ai cũng nói con dâu là người kinh là không được mô. Do tập tục cả, mình biết rứa nên chịu khổ mấy cũng theo chồng thôi…”

“Mới lên không biết mần chi nên ngày mô cũng cõng con qua nhà hàng xóm xem người dân tộc dệt Zeng. Vừa xem vừa phụ giúp suốt ba năm liền thì mình học “mót” được nghề. Lúc học được mình mừng không tả hết mô, vì nghề ni người dân tộc không bao giờ dạy cho người kinh. Hồi nớ chưa có sợi như chừ nên mình đi mua khăn tắm về rút thành sợi rồi đem nhuộm. Ban ngày theo chồng vô rẫy kiếm củ sắn, củ khoai, đêm về mình gần như thức trắng để dệt. suốt năm đêm liền thì mình dệt xong tấm đầu tiên, đem bán được khá lắm. Lần đó mình mừng lắm, dệt được Zeng ai cũng nể, hết xa lánh, lại còn động viên mình dệt cho nhiều Zeng nữa thôi…”

Chị Bùi Thị Hòa

Dệt Zeng đi về đâu ?


Sau bốn năm, chị Hoà trở thành người dệt Zeng giỏi nhất vùng. Cái tiếng của chị không những ở A Lưới mà còn sang cả huyện Nam Đông và ra tận vùng núi Quảng Trị. Sản phẩm làm ra không kịp bán. “Nhờ dệt Zeng ni mà nhà mình không còn đói nghèo, mần được nhà, nuôi bảy ngưòi con đàng hoàng và còn mua được cả vàng đấy. Cũng có cái may là người dân tộc họ quý Zeng đến lạ kỳ. Họ gặp Zeng như gặp của thiêng thôi, trên người có vàng, có tiền là mua liền thôi. Họ mua về cất rồi đến lễ hội họ lấy ra mang và làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng tề. Một tấm Zeng vừa mần váy vừa mần áo trước đây mình bán 300.000đ, chừ thì 200.000đ, đắt rứa nhưng mần mấy hết nấy thôi.

” Tôi cắt lời chị "- Chị có ba con gái vậy dành được mấy tấm hồi môn rồi?” Chị cười rằng: “ Con gái lớn lấy chồng năm 1995, nhưng lấy người Kinh nên mình không cho Zeng mà cho vàng thôi. Còn hai ả chưa chồng, chưa cho tấm mô hết. Hai em nó dệt Zeng cũng giỏi lắm đấy…”

Chuyện trò với chị Hoà xong, tôi đi về với đồng bào để chứng thực một chuyện: A Lưới có bốn dân tộc anh em là Tà Ôi, Kơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy, ai cũng quý tấm Zeng, nhưng sự thật thì chưa tới năm mươi người thuộc bốn xã A Roàng, A Đớt, A Nhâm, A Ngo, đều là người Tà Ôi , biết dệt Zeng nhưng chỉ dệt khi nào… thích. Điều này có nghĩa là nghề dệt Zeng có nguy cơ biến mất. Cũng chính điều này mà hiện nay việc khôi phục lại dệt Zeng là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của A Lưới.

Dạy lại cho người dân tộc


Gần 30 năm sống với nghề Zeng, bước chân chị Hòa đã đặt đến hầu khắp các sườn đồi, triền núi huyện A Lưới, Nam Đông, vùng núi Quảng Trị. Chị tự hào rằng: “Nơi mô mình đến, nhà mô mình cũng thuộc tên thạo, đường. Không chỉ là người Kinh duy nhất biết dệt Zeng và sống khá giả bằng nghề này, chị còn là người duy nhất dạy nghề này, không phải dạy cho người kinh mà dạy cho người dân tộc. Chị dạy một lớp 10 người cho đồng bào ở xã Phú Vinh, lớp học ba tháng, trước đó chị đã dạy xong hai lớp một ở Quảng Trị, một ở Phú Vinh . Chuyện dạy chị nói buồn buồn: “ Dạy thì dạy thế thôi chứ mình không hy vọng lắm mô, hai lớp trước đó rất ít người theo nghề . Cũng vì cuộc sống khó khăn nên học xong chị em lại đi rẫy thôi, rồi thì người côi ni không quen dệt Zeng để bán như mình…”

Trước lúc về, tôi hỏi chị tưng tửng: “Gần 30 năm nay chị nhờ người dân tộc cái nghề Zeng này mà khấm khá. Bây giờ chị dạy lại cho họ, không sợ bị thất nghiệp à?” Chị cười lớn: “ sợ thì mình không nhận dạy rồi”. Trước khi rời A Lưới, tôi tìm gặp ông Nguyễn Thành Lâm - trưởng phòng công thương huyện A Lưới với ý tưởng là nói với ông một câu rất hay của chị Hoà rằng “khi mô mà người dân tộc không còn thì nghề dệt Zeng mới mất”, như một ý tưởng khôi phục lại nghề dệt Zeng mà huyện A Lưới đang dự định xúc tiến. Điều rất đỗi bất ngờ là ông Lâm lại không biết chị Hoà là ai. Tôi bảo chị còn có tên dân tộc là Kăn Lê, nhưng ông Lâm vẫn “không biết”. Trong khi đó nhà Kăn Lê cách trung tâm huyện A Lưới chỉ 6km trên trục đường Hồ Chí Minh vừa mới thảm nhựa láng cóng. Về miền xuôi tôi cứ nghĩ mãi lẽ nào câu chuyện này chỉ dừng ở đó.


Bài, ảnh: Dương Minh Phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    "Con ơi, ráng giữ lấy nghề dệt Zeng !"

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.