Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều thách thức với công tác thi hành án

Hà Phong| 13/11/2022 07:31

(HNM) - Năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự. Mặc dù vậy, công tác thi hành án vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng vụ việc qua các năm theo xu hướng ngày càng nhiều và phức tạp. Trong khi đó, nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự như biên chế, kinh phí hoạt động, trụ sở, kho, vật chứng... chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) xác minh, kê biên tài sản thi hành án.

Việc nhiều, người ít

Năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự; ban hành nghị quyết giao cụ thể nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp. Mặc dù vậy, công tác thi hành án vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các cơ quan thi hành án đang phải đảm nhiệm số lượng vụ việc qua các năm theo xu hướng ngày càng nhiều và càng phức tạp. Năm 2022, tổng số phải thi hành là hơn 861.500 việc, có điều kiện thi hành là hơn 653.700 việc, thi hành xong hơn 539.000 việc, đạt 82,5%, tăng 6,67% so với năm 2021. Tổng số tiền phải thi hành gần 337.000 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 165.000 tỷ đồng, thi hành xong trên 75.000 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ đồng so với năm 2021. Về các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 6.215 việc, thu hồi được hơn 22 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Với số lượng công việc khổng lồ trên, hiện nay bình quân mỗi chấp hành viên phải thi hành 227 việc/năm và tiền là 88,7 tỷ đồng/năm. Tại một số địa bàn như Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, trung bình mỗi chấp hành viên có số việc phải thi hành lên đến gần 400 việc/năm và tiền là trên 100 tỷ đồng/năm. Cá biệt như thành phố Hồ Chí Minh là trên 400 tỷ đồng/năm/chấp hành viên; thành phố Hà Nội, Đà Nẵng là trên 200 tỷ đồng/năm/chấp hành viên. Đây thực sự là áp lực rất lớn đối với đội ngũ chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự. Trong khi đó, nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ năm 2016 đến nay, biên chế công chức thi hành án dân sự liên tục cắt giảm (giảm 1.016 biên chế, tương đương giảm 10,16% so với năm 2015).

Cần nguồn lực và lấp “lỗ hổng” thể chế

Với xu thế số vụ việc thi hành án ngày càng nhiều và càng phức tạp, đơn cử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba có khoảng trên 5.000 đương sự, xét ra nếu mỗi đương sự là một việc độc lập thì vụ án này đã có tới 5.000 vụ việc cần xử lý. Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lã Thanh Tân, thực tế trên là nguy cơ dẫn đến hoạt động thi hành án dân sự trở thành “điểm nghẽn” trong chuỗi hoạt động tố tụng vì các cơ quan này đang trong tình trạng không đủ nguồn lực để thực hiện.

Ông Lã Thanh Tân cho rằng, theo kế hoạch đã được phê duyệt đến năm 2026, biên chế các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có biên chế của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giảm 5% sẽ là khó khăn, thách thức lớn cho các cơ quan thi hành án. “Cần cân nhắc xem xét, tách riêng số biên chế cơ quan thi hành án dân sự và điều chỉnh cơ chế phân bổ biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự theo nguyên tắc tương tự ngành Tòa án và ngành Kiểm sát giai đoạn 2022-2026, tiệm cận mức biên chế giao năm 2015”, ông Lã Thanh Tân đề nghị.

Quá trình thi hành án, ngoài khó khăn về nhân lực, vật lực cũng phát hiện nhiều bất cập về thể chế. Điển hình là trong các vụ án về tham nhũng, đối tượng phạm tội có kiến thức cao, thủ đoạn và hành vi cũng cực kỳ tinh vi, cũng có người tẩu tán tài sản. Song, nước ta chưa có luật để đăng ký tài sản nên tài sản của người phạm tội tham nhũng có thể chuyển cho con, cho bố, mẹ, là những người không thuộc diện phải kê khai tài sản nên rất khó để xử lý. 

Thực tế có rất nhiều vụ án lớn xảy ra và khi điều tra mới rõ tài sản là do phạm tội có được đã chuyển cho bố mẹ đẻ, con đã thành niên đứng tên, thậm chí có trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Trịnh Xuân Thanh, Phan Sào Nam... Mặc dù theo quy định tài sản phạm pháp dù đã cho người khác đứng tên cũng bị kê biên phong tỏa để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, nếu không có luật đăng ký tài sản làm căn cứ xử lý thì với tài sản tham nhũng ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên..., chỉ riêng việc truy tìm đủ chứng cứ chứng minh cũng không hề đơn giản, rất khó “đụng” vào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều thách thức với công tác thi hành án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.