Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều khoảng trống

Thu Trang| 11/12/2017 07:03

(HNM) - Thời gian qua, không ít vụ án mạng gây chấn động dư luận mà hung thủ là người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Đây là hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư. Thế nhưng, đa số người bệnh không được phát hiện, can thiệp kịp thời...

Người mắc các thể bệnh tâm thần cần được khám và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế chuyên sâu.
Ảnh: Linh Ngọc


Mối họa cho cộng đồng

Tháng 11-2017, việc một bảo vệ tổ dân phố được cho là thân thiện, yêu quý trẻ nhỏ, bất ngờ ra tay sát hại cháu bé 6 tuổi ngay giữa ban ngày tại ngõ nhỏ ở quận 11 (TP Hồ Chí Minh) khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng. Điều đáng bàn là thủ phạm sinh năm 1989 này có tiền sử tâm thần phân liệt từ năm 2005. Sau khi được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, bệnh thuyên giảm và người này được cho về nhà điều trị.

Còn nhớ, thảm án cách đây chưa lâu tại Hà Giang khiến 4 người bị chết, 1 người bị thương cũng khiến dư luận bức xúc. Đau lòng hơn, thủ phạm và nạn nhân là người thân trong gia đình. Thủ phạm trước đó mắc bệnh tâm thần nặng, sau khi chữa trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương đã được cho về nhà để tái hòa nhập cộng đồng…

Từ những sự việc nói trên, theo PGS.TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, hiện nay, bệnh nhân rối loạn tâm thần chủ yếu do gia đình quản lý, nhưng đa số thiếu kiến thức cơ bản như phát hiện dấu hiệu bệnh, dấu hiệu tái phát, cách sử dụng thuốc… Đó là nguyên nhân dẫn đến những việc đau lòng bởi khi bệnh nhân lên cơn tái phát nhưng không được phát hiện, can thiệp kịp thời, họ có thể tấn công người khác. Hậu quả do người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư đã được cảnh báo từ lâu. Nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra nhưng phần vì chủ quan, phần vì tình cảm ruột thịt níu kéo nên nhiều gia đình không muốn đưa người nhà đến các trung tâm điều trị.

Theo PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103), bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự gấp 3-4 lần so với người thường. Yếu tố bệnh lý dẫn đến hành vi phạm tội ở nhóm này là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao, ảo thanh ra lệnh, chán nản, bi quan, kích động vận động... Vì vậy, sau khi gây án, bệnh nhân thường được miễn giảm ít nhiều trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, cần lưu ý, sự căng thẳng về tâm lý, lạm dụng rượu và ma túy... là yếu tố khiến hành vi phạm tội của bệnh nhân diễn ra mãnh liệt, tức thời. Khi đã phạm tội, bệnh nhân tâm thần có thể tiếp tục phạm tội nếu bệnh vẫn còn.

Theo Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 15% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt..., hiện đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó có khoảng 40% ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị. Thêm vào đó, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cho người tâm thần hiện còn thiếu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý. Ở nhiều nơi, cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng; nhiều cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo bài bản.

Ông Phạm Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội, hiện có gần 8.000 người mắc các thể bệnh tâm thần nhưng công tác chăm sóc người bệnh tâm thần còn gặp nhiều trở ngại. Hà Nội hiện có ba trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho gần 900 người tâm thần phân liệt, chưa kể các cơ sở tư nhân đang chăm sóc cho khoảng 200 người. Tuy nhiên, số lượng trung tâm, cơ sở đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu thực tế.



Cần sự chung tay của toàn xã hội

Bác sĩ Ngô Hùng Lâm, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng, bệnh tâm thần có thể được chữa khỏi, hoặc giữ cho bệnh nhân có được sức khỏe tâm thần ổn định lâu dài. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Thể bệnh, mức độ đáp ứng và tuân thủ phương pháp điều trị, môi trường xã hội... Tuy nhiên, hiện có nhiều người tâm thần không được gia đình cho đến bệnh viện để chữa trị. Đó là điều nguy hiểm bởi họ dễ bị kích động, dễ có hành vi gây hại cho những người xung quanh.

Theo PGS.TS Bùi Quang Huy, với số lượng bệnh nhân tâm thần như hiện nay, giải pháp quản lý và chăm sóc cho tất cả tại các cơ sở nuôi dưỡng người bệnh là không khả thi. Việc quản lý bệnh nhân tâm thần ở cộng đồng có nhiều điểm nhân văn nhưng đặt ra cho các thành viên gia đình trách nhiệm trông nom và điều trị cho người bệnh. Cùng với đó là sự giúp sức của các cơ sở y tế, các chuyên khoa tâm thần. Điều quan trọng là các gia đình không nên giấu bệnh, phải đưa người thân mắc bệnh tâm thần đi khám, sau đó tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tái phát. Các gia đình phải xác định khó khăn và tìm cách vượt qua bởi có những người bệnh phải điều trị trong nhiều năm, thậm chí suốt đời.

Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Huy, cần phải tạo cho người bệnh môi trường sống tốt, tránh bị sang chấn tâm lý... Muốn làm tốt điều này thì cần có sự phối hợp, chung tay của bệnh viện, gia đình, cơ quan, chính quyền và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều khoảng trống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.