(HNM) - Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) ở Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, trong đó có Hội Nông dân (ND). Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập cho ND, song việc dạy nghề cho ND ở Hà Nội còn quá nhiều khó khăn.
Kết quả bước đầu
Nhiều lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp được Hội Nông dân tổ chức, nhưng lao động “sống” bằng nghề này lại rất ít.
Bà Đinh Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm ND (Hội ND Hà Nội) cho biết: Mục tiêu của công tác dạy nghề cho LĐNT là tạo cho ND có một nghề nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp để có thể sống được bằng nghề, nâng cao thu nhập. Những năm qua, các cấp hội ND Hà Nội đã có nhiều sáng tạo trong công tác dạy nghề và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ LĐNT thiếu việc làm.
Các cấp hội ND Hà Nội tích cực tổ chức dạy nghề, truyền nghề mới; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2010, các cấp hội đã phối hợp với các ngành tổ chức cho trên 14.000 ND học nghề nông, trồng hoa, cây cảnh, tiểu thủ công nghiệp, may công nghiệp, điện, mộc dân dụng… Ngoài ra, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm ND đã phối hợp với tổ chức được 22 lớp cho 660 hội viên ND ở các huyện, thị xã. Năm 2011 này, Hội ND Hà Nội phấn đấu dạy nghề mới cho 12.500 ND và con em ND.
Theo đánh giá của hội ND các quận, huyện, thị xã, do làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề nên sau khi học nghề, đa số ND đã sống được bằng nghề, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội ND xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) Dư Văn Chiến cho biết, Hội ND huyện đã tổ chức 3 lớp dạy nghề trồng nấm cho ND xã Trung Tú, kết quả 100% số học viên đã tổ chức sản xuất nấm tại nhà, đời sống của bà con vùng chiêm trũng được cải thiện.
Và những khó khăn
Tuy nhiên, quá trình triển khai dạy nghề đang gặp khó khăn. Theo bà Đinh Thị Thủy, khó khăn lớn nhất là về kinh phí. Theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020", Hội ND chỉ được cấp một phần kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động ND tham gia học nghề chứ không được cấp kinh phí dạy nghề. Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm ND chưa có địa điểm để tổ chức dạy và học nghề nên các lớp đều phải mượn địa điểm; đội ngũ giáo viên không có, phải nhờ bên ngoài nên đã ảnh hưởng tới chất lượng dạy nghề.
Khó khăn khác là nhiều ND dù đang thất nghiệp nhưng không thích học nghề hoặc không muốn học những nghề mất nhiều thời gian. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Mê Linh cho biết, nguyên nhân khiến lao động trẻ nông thôn không mặn mà học nghề là do nhận thức về lợi ích của việc học nghề còn hạn chế. Mặt khác, cũng bởi nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" nên đa số lao động trẻ muốn "ăn ngay" dù biết học nghề là điều kiện cần thiết để có công việc ổn định. Theo ông Hùng, trong điều kiện tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì nghề cơ khí, lái xe, điện dân dụng, sửa chữa ô tô là phù hợp, dễ kiếm việc... Tuy nhiên, thời gian học những nghề này thường kéo dài vài tháng, thậm chí cả năm, học phí cao, không phải hộ nào cũng có điều kiện cho con theo học.
Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, đề nghị thành phố tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy nghề cho Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm ND (Hội ND Hà Nội). Về phía hội ND, các cấp hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy học nghề cho ND, nhất là nhóm LĐNT bị thu hồi đất cần phải chuyển sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp, công nghiệp. Đồng thời, cần khảo sát kỹ nhu cầu học nghề để tổ chức dạy nghề theo nhu cầu của ND, tránh dạy dàn trải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.