Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều bất cập

Tuấn Khải| 23/12/2017 06:53

(HNM) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GT-VT, gần 5 năm qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 800.000 phương tiện vận tải. Tuy nhiên, thực tế triển khai chủ trương này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập cần sớm khắc phục để bảo đảm hiệu quả thực chất.

Việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện vận tải đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm khắc phục. Ảnh: Bá Hoạt


Lách luật, ngắt thiết bị để đối phó

Hà Nội là một trong những địa phương có lượng phương tiện hoạt động nhộn nhịp bậc nhất cả nước. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, rà soát, cập nhật và khai thác dữ liệu từ hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để chấn chỉnh các vi phạm luôn là nhiệm vụ thường xuyên được Sở nghiêm túc thực hiện. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, qua kết quả phân tích dữ liệu từ Tổng cục, Sở đã quyết định thu hồi 7.114 phù hiệu xe ô tô của 3.499 đơn vị kinh doanh vận tải; nhắc nhở 26.474 phương tiện vi phạm quy định về tốc độ hoặc về thời gian lái xe liên tục. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các bến xe trên địa bàn thành phố từ chối phục vụ đối với các phương tiện vi phạm; đề nghị các sở GT-VT địa phương liên quan phối hợp xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Viện, thực tế triển khai chủ trương này đã bộc lộ những bất cập, như: Hệ thống giám sát hành trình thường chậm, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, kiểm tra, dẫn đến xử lý vi phạm chưa kịp thời; việc tra cứu dữ liệu từ hệ thống vẫn chưa giúp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm của xe vận tải hành khách tuyến cố định dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, xe chạy vượt tuyến, chạy sai hành trình. Việc tra cứu, xử lý vi phạm của phương tiện chỉ dựa vào các thông tin phản ánh của báo chí và người dân, nên công tác quản lý chưa được bao quát. Đáng chú ý, gần đây xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải “lách luật” bằng cách sử dụng 1 lái xe nhưng có 2 thẻ quẹt để tránh bị xử lý hành vi vi phạm thời gian lái xe liên tục.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, mục đích lắp thiết bị giám sát hành trình trước tiên là để doanh nghiệp quản lý phương tiện và lái xe của mình. Nhưng, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện kiểu đối phó, thậm chí không thực hiện bởi chưa thấy hiệu quả. Trong khi đó, không ít lái xe cho rằng, thiết bị giám sát hành trình được lắp trên xe hay trục trặc và thiếu chính xác, mặc dù đã được cơ quan chức năng của Bộ GT-VT kiểm định, cấp chứng nhận. Đáng nói, ngoài những “chiêu” đối phó như sử dụng 2 thẻ quẹt thì ngắt thiết bị giám sát hành trình khi xe đang chạy là chuyện “cơm bữa” đối với giới lái xe. Chính vì không nắm được dữ liệu về hành trình, tốc độ xe chạy nên khi xảy ra tai nạn giao thông, cơ quan chức năng mới truy xuất thông tin về hành trình của xe đó trên hệ thống để quy tội lái xe và doanh nghiệp chủ quản. Thậm chí, có những vụ tai nạn, khi lực lượng chức năng tới khám nghiệm hiện trường thì xe trong tình trạng đang ngắt thiết bị.

Chuẩn hóa hệ thống

Theo Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, việc quản lý phương tiện vận tải qua thiết bị giám sát hành trình đã phần nào kiềm chế được hành vi chạy quá tốc độ của các lái xe, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Ngoài ra, các đơn vị vận tải nâng cao trách nhiệm, tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chấp hành quy định. Song, vi phạm và bất cập trong thực tế triển khai vẫn còn nhiều.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội kiến nghị, để giải quyết những bất cập nêu trên cần sớm nâng cấp, từng bước chuẩn hóa hệ thống. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng lại phần mềm quản lý qua thiết bị giám sát hành trình, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục; dừng đón trả khách sai quy định, chạy vượt tuyến, chạy sai hành trình so với chấp thuận khai thác tuyến của cơ quan có thẩm quyền (giống như phần mềm quản lý GPS đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam áp dụng thí điểm trên tuyến vận tải hành khách Hà Nội - Hải Phòng). Từ đó, đề xuất Bộ GT-VT ban hành quy định quản lý, giám sát và xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế cũng như các quy định hiện hành. Đồng thời sớm kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị cung cấp thiết bị lắp đặt 2 thẻ quẹt cho những xe ô tô chỉ có 1 lái xe.

Đồng quan điểm phải sớm chuẩn hóa hệ thống, một số ý kiến nhấn mạnh, phải làm cho doanh nghiệp cảm thấy thực sự được hưởng lợi từ chủ trương này để họ chủ động lắp đặt. Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành bản đồ số nhằm tích hợp chính xác các thông số thực tế trên đường; thiết kế thêm phần mềm cảnh báo nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe chạy quá tốc độ.

Thực tế cho thấy, hiện có hơn 800.000 phương tiện vận tải trong diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mỗi bộ thiết bị có giá khoảng 4-5 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê đơn vị vận hành thiết bị là một con số đầu tư rất lớn. Vì vậy, nếu không làm tốt, vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp và lái xe lắp đặt cốt để đối phó với lực lượng chức năng. Và vô hình trung, lợi ích lớn nhất lại rơi vào các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, trong khi mục tiêu quản lý của nhà nước và doanh nghiệp vận tải không bảo đảm.

Dữ liệu hoạt động của các phương tiện vận tải (xe khách, xe tải...) lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được truyền từ xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phân tích, sau đó thông báo cho các sở GT-VT địa phương xử lý trường hợp vi phạm. Qua ghi nhận, số vụ vi phạm về tốc độ đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước khi bắt buộc phải lắp đặt. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 80% phương tiện truyền dữ liệu. Trong khi đó, có những tháng có tới 10 tỉnh, thành phố không xử lý vi phạm thông qua thống kê vi phạm mà Tổng cục báo về.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.