Trong mắt bạn bè cùng trang lứa, những HS là "con một" thường được bố mẹ chiều chuộng, quan tâm nhiều hơn. Nhưng các bạn ấy cũng có nhiều nỗi niềm vì luôn được bố mẹ, người thân dồn nhiều kỳ vọng, tạo áp lực để các bạn phấn đấu cao hơn trong học tập… Chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của các em và phụ huynh nhé.
Em Nguyễn Thu Hương (HS lớp 7D, Trường THCS Đống Đa):
- Em không phải là "con một" nhưng ở lớp em chứng kiến rất nhiều những bạn được bố mẹ chiều chuộng vì là "con một". Bố mẹ chỉ có mình bạn ấy nên từ quần áo đến sách vở đều mới toanh, đòi hỏi thế nào cũng được đáp ứng ngay. Dịp cuối tuần còn được bố mẹ đưa đi chơi, đi ăn nhà hàng. Có bạn còn là "độc đinh" nên mỗi lần sinh nhật, được họ hàng tặng cho nhiều quà đắt tiền. Em thì toàn phải dùng đồ cũ từ chị gái, quần áo cũng là những bộ mà chị ý không mặc vừa nữa. Máy tính, ti vi thì hai chị em dùng chung nhưng em cũng chỉ được xài "ké", không dám "ôm" máy tính cả ngày. Nhiều khi em cũng ước mình là "con một" để được cưng chiều.
Em Trần Minh Huy (HS lớp 9C, Trường THCS Phan Huy Chú):
- Đúng là trong mắt bạn bè, ai được làm "con một" trong gia đình cũng sung sướng vì bố mẹ yêu quý hơn, chăm sóc hơn, không phải dùng lại đồ cũ từ anh chị, cũng không phải nhường nhịn các em. Nhưng thực ra không có anh chị em cũng rất buồn, có bài toán khó em không biết nhờ ai giảng giải hộ. Những ngày cuối tuần được dịp nghỉ học, em cũng chỉ lủi thủi ở nhà một mình, không có anh chị em đi chơi cùng… Vì chỉ có mình em nên bố mẹ cũng luôn đặt nhiều áp lực, muốn em chăm ngoan, học thật giỏi. Bố chỉ muốn cấp III em thi khối A, theo học một trường đại học danh tiếng trong khi em lại rất yêu thích môn văn. Những lúc đi họp phụ huynh, nếu em học hành sút kém hay bị cô giáo nhắc nhở một chút là bố mẹ lại la mắng, áp lực rất nặng nề.
Cô Trần Phương Loan (312 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội):
- Tôi cũng chỉ có duy nhất một đứa con nên tôi rất hiểu "bệnh" của những "con một". Các em thường suy nghĩ vì bố mẹ chỉ có một mình mình nên hay đòi hỏi, vòi vĩnh, thậm chí lâu dài còn nảy sinh tính ích kỷ vì quen sống một mình, không phải chia sẻ với anh chị em. Trong khi đó, nhiều ông bố, bà mẹ lại cưng chiều "con một" hết mực, sợ con hờn dỗi, sợ có chuyện không may xảy ra với con nên lúc nào cũng cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi của con, liên tục để ý quan tâm đến con một cách thái quá.
Đôi khi chính sự quan tâm quá mức của bố mẹ càng khiến trẻ ỷ lại và mất đi tính tự lập. Do đó, dù là "con một" hay con út, bố mẹ cũng không nên quá nuông chiều làm hư trẻ. Phải luôn dạy cho con tính chia sẻ với anh chị em họ hàng, bạn bè cùng lớp… Nếu thấy con mình có biểu hiện cô đơn thì nên đề nghị con thường xuyên rủ bạn đến nhà chơi. Những bậc cha mẹ có con một cũng đừng nên quản con mình chặt quá và đừng áp đặt, kỳ vọng nhiều vào con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.