Hà Nội hiện có khoảng hơn 13.000 học sinh học tập ở nước ngoài với trình độ đại học, phổ thông, chiếm khoảng ¼ tổng số du học sinh của cả nước.
Trước nhu cầu du học ngày càng tăng, nhằm bảo đảm quyền lợi người học, ngày 20-12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học năm 2023. Những nội dung được đề cập cho thấy, việc quản lý hoạt động tư vấn du học đang đứng trước nhiều thách thức.
Nhu cầu tăng, thách thức lớn
Hiện nay, số lượng lưu học sinh đi học tập ở nước ngoài là hơn 13.000 em, chiếm khoảng ¼ tổng số du học sinh của cả nước. So với 10 năm trước, tỷ lệ học sinh Hà Nội đi du học tăng 2,5 lần. Quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều du học sinh học tập nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Đức và Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng thu hút nhiều du học sinh hơn so với những năm trước.
Tính đến ngày 30-11-2023, trên địa bàn thành phố có 1.078 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, về cơ bản, hoạt động của các trung tâm này hiện đã dần đi vào nền nếp, đáp ứng nguyện vọng học tập của người học ở nhiều trình độ, quốc gia.
Nhằm tăng cường quản lý và tạo thuận lợi cho người học trong việc tìm kiếm thông tin về việc học tập ở nước ngoài, Hà Nội đã công khai danh sách các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã được cấp phép hoạt động trên Cổng thông tin điện tử của ngành tại địa chỉ http://hanoi.edu.vn. Đây cũng là kênh thông tin nhằm huy động sự tham gia của người dân và các lực lượng xã hội trong việc giám sát tình hình hoạt động của các trung tâm.
Các tổ chức dịch vụ tư vấn du học có địa điểm hoạt động tại 24 quận, huyện của thành phố, nhiều nhất là tại Cầu Giấy (2.023 đơn vị), Nam Từ Liêm (154 đơn vị), Đống Đa (141 đơn vị), Hà Đông (128 đơn vị)…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm gặp nhiều khó khăn do số lượng trung tâm lớn, có trung tâm di dời địa điểm hoạt động 2-3 lần trong một chu kỳ cấp phép; có hiện tượng ký hợp đồng và thu phí sau quy định… Trong bối cảnh nhu cầu đi học tập ở nước ngoài ngày càng tăng, đây là một thách thức lớn trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn những những hành vi sai phạm (nếu có) để bảo đảm quyền lợi của người học.
Thực tế kiểm tra còn cho thấy, một số trung tâm quảng cáo tuyển sinh du học khi chưa đăng ký hoặc quảng cáo không chính xác về điều kiện học tập ở nước ngoài; hoặc tư vấn đến những trường chưa ký kết hợp tác, chưa có đủ thông tin về tính pháp lý và tình trạng kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài. Những trường hợp khiếu nại của phụ huynh, người học thời gian qua phần lớn do thiếu trách nhiệm của đơn vị tư vấn... Cá biệt, có đơn vị còn làm giả năng lực tài chính nhân thân, không trả hồ sơ cho học sinh bị trượt tư cách lưu trú...
Nỗ lực gỡ vướng
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các trung tâm đã trao đổi về những khó khăn, bất cập trong hoạt động tư vấn du học hiện nay.
Một trong những đề xuất đáng quan tâm được một số trung tâm tư vấn du học nêu nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động tư vấn du học, tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh là cập nhật thường xuyên về hiện trạng các trung tâm đang hoạt động, tránh việc có đơn vị đã hết hạn giấy phép hoặc chưa đăng ký vẫn hoạt động gây nguy cơ rủi ro cho người học.
Một trung tâm tư vấn du học Đức dẫn chứng, theo quy định hiện nay, việc dịch hồ sơ phục vụ sang Đức học tập chỉ cần qua giấy tờ công chứng, nhưng vẫn có trung tâm yêu cầu nộp hồ sơ gốc nhằm “giữ chân”, gây khó cho học sinh. Cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ nội dung này và có hình thức tuyên truyền để người học nắm được quy định chung.
Tại hội nghị, một số trung tâm đề nghị linh hoạt hơn trong ký kết hợp tác. Dẫn thực tế hiện nay, có tình trạng một trung tâm ký hợp đồng với 10 tổ chức giáo dục, 10 tổ chức này lại liên kết với 200 trường đại học trên thế giới thì có thể được hiểu là trung tâm hợp tác với 200 trường đại học và được phép tư vấn, đưa học sinh đi học tập tại các trường này.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, việc tổ chức tư vấn du học không được thực hiện theo hình thức “bắc cầu”, vì khi không nắm được tính pháp lý, chất lượng đào tạo của các trường, nguy cơ khiến học sinh rơi vào tình trạng rủi ro là rất cao.
Sở yêu cầu các trung tâm thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó chấp hành đúng quy định khi ký với đối tượng liên kết phải bảo đảm các yêu cầu: Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài; được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các trung tâm phải có minh chứng và có thỏa thuận, ký hợp đồng liên kết trực tiếp với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài thì mới được triển khai hoạt động tư vấn cho học sinh đi học tập ở các trường này. Đây cũng là một trong những nội dung mà các trung tâm phải công khai, minh bạch để người học biết rõ cơ sở giáo dục ở nước ngoài mà mình sẽ tới học có các ngành học nào, chất lượng đào tạo ra sao, học phí và mức sống có phù hợp với khả năng chi trả của gia đình hay không...
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, những thông tin tại hội nghị, nhất là những chia sẻ từ phía các trung tâm là những vấn đề rất cần tiếp tục được quan tâm. Trong phạm vi quyền hạn, Sở sẽ kịp thời giải đáp, hỗ trợ các trung tâm trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, trong khi quy định chung về giải quyết thủ tục hành chính với các hoạt động của trung tâm là 15 ngày, nhưng Sở đã rút ngắn còn 12 ngày. Với những nội dung còn lại, Sở sẽ đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý với mục tiêu tạo thuận lợi cho các trung tâm và bảo đảm quyền lợi của người học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.