(HNM) - Thanh Trì cung cấp một lượng lớn rau cho TP. Để xây dựng thương hiệu rau, Thanh Trì đã đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các vùng rau an toàn (RAT) tại các xã trọng điểm và đến nay đang phát huy hiệu quả cao.
Chỉ tiêu thụ được 30% cho DN
Chăm sóc rau sạch tại Duyên Hà (Thanh Trì). Ảnh: Khánh Nguyên
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, hiện toàn huyện có trên 600ha sản xuất rau, trong đó hơn 100ha sản xuất RAT tập trung ở 2 xã Yên Mỹ và Duyên Hà. Nông dân đã có kinh nghiệm sản xuất rau từ nhiều năm nay, nên chuyển sang trồng RAT thuận lợi, sản phẩm bảo đảm chất lượng. Cái khó lúc này là tìm đầu ra cho sản phẩm, việc mà nông dân vẫn đang tự bơi. Đại đa số các hộ chưa biết liên kết để thiết lập thị trường, không gắn kết các công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên sức cạnh tranh kém. Nông dân sản xuất theo kinh nghiệm là chính, chỉ dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ nên nếu tiêu thụ không kịp sẽ lỗ nặng, sản phẩm trái vụ hầu như không có. Chẳng hạn như cuối năm 2010, Công ty Rau Hương Cảnh đặt hàng 2.000 cây bắp cải, trọng lượng từ 2kg trở lên nhưng tại thời điểm đó 2 vùng sản xuất RAT của huyện chưa có sản phẩm; đến khi thu hoạch chính thì công ty đã mua đủ số lượng trên ở vùng RAT khác.
Ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà cho biết, hiện xã có 80ha sản xuất rau, trong đó 56ha sản xuất RAT. Trong năm 2010, TP và huyện đã hỗ trợ địa phương 37 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp nước sạch, nhà sơ chế… Hiện tại, công trình cấp nước sạch đã hoàn thành, trong 3 tháng tới HTX miễn tiền điện, nước cho các hộ; riêng đối với 5ha trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGap của xã còn được DN và cơ quan chức năng hỗ trợ giống, vật tư… Vùng rau như thế là đã được đầu tư hoàn chỉnh, đỡ lo chất lượng sản phẩm nhưng vẫn vướng về "đầu ra". Mặc dù HTX đã hợp đồng bán rau cho các DN, nhà hàng, khách sạn, trường học từ nhiều năm qua… nhưng số lượng chỉ đạt 30%, còn lại 70% sản phẩm nông dân phải tự tiêu thụ; thực tế nếu bán được sản phẩm cho DN thì giá trị RAT cao gấp 20% so với rau thường. Việc tìm kiếm và mở các cửa hàng tiêu thụ RAT gần khu dân cư nội đô quá khó khăn do giá thành thuê cửa hàng lên tới 10-15 triệu đồng/tháng, HTX không gánh nổi. Nhiều siêu thị có quầy RAT nhưng số lượng bày bán rất ít do lợi nhuận thấp.
Đa dạng hóa sản phẩm
Theo ông Nguyễn Đăng Huấn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hà, tại địa phương, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các vùng sản xuất rau đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Nhưng để rộng mở đầu ra cho RAT, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, HTX và xã viên phải thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, trồng nhiều loại thay vì trồng 1-2 loại rau phổ thông. Mỗi nhóm hộ chuyên trồng một vài loại rau, chú trọng đến các loại rau trái vụ có giá trị cao. Để các HTX tiêu thụ RAT được thuận lợi, UBND thành phố nên có chính sách hỗ trợ gian hàng cho thuê tại các địa điểm trong nội thành một thời gian đầu để HTX duy trì hoạt động cửa hàng.
Ông Vũ Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển các vùng đang sản xuất RAT; xây dựng thành công thương hiệu RAT cho 2 xã Yên Mỹ và Duyên Hà để làm cơ sở nhân rộng. Mục tiêu của Thanh Trì đến năm 2012 sẽ có 150ha sản xuất RAT. Trước mắt, ngay trong năm 2011, ngoài sự hỗ trợ của TP, huyện đầu tư 582 triệu đồng để phát triển vùng sản xuất RAT tập trung như xây dựng nhà sơ chế, hệ thống nước tưới cho nông dân… để nâng cao hiệu quả sản xuất. Mỗi năm huyện hỗ trợ 10 triệu đồng cho các HTX làm nhiệm vụ quảng bá và giới thiệu sản phẩm RAT đến người tiêu dùng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.