(HNM) - Những biến động chính trị đến bất ngờ tại Trung Đông và Bắc Phi đã và đang làm thay đổi nhiều khái niệm xưa cũ. Ít ai ngờ một không gian Arab vốn yên bình đến lặng lẽ bỗng chốc bị xáo trộn bởi một cuộc nổi gió lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Khi khói lửa xung đột vẫn dày đặc khắp bầu trời và cả trên mặt đất Libya thì những cơn sốt biểu tình gây bạo động nối tiếp đã kịp biến đổi cục diện tưởng chừng khó lay chuyển trên chính trường tại Yemen và Syria; biến hai vùng đất này thành hai ngòi nổ mới của "thùng thuốc súng" Trung Đông.
Chưa chính thức tuyên bố thời gian cụ thể sẽ rời khỏi chiếc ghế quyền lực, nhưng về cơ bản chiếc đồng hồ quyền lực của Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh đã bắt đầu đếm ngược khi ông chấp nhận từ chức trong vòng 30 ngày theo kế hoạch hòa giải của Hội đồng Các quốc gia Vùng Vịnh (GCC). Cái gật đầu của phe đối lập với sáng kiến phải trao đi đổi lại không ít lần nhằm tìm ra điểm chung giữa hai bên đã ghi nhận kết quả chuyển giao chính trị ôn hòa đầu tiên trong cơn biến động theo hướng bạo lực hóa đã lan khắp khu vực trong ít ngày qua. Làn sóng xuống đường bắt đầu từ giữa tháng 2 tại quốc gia gần 23 triệu dân này vẫn chưa lắng sau thông báo ra đi của vị tổng thống 33 năm nắm quyền, khi phe đối lập khẳng định sẽ tiếp tục cuộc xuống đường cho tới khi sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo lâu năm hoàn toàn chấm dứt. Song bước ngoặt mà ông A.A.Saleh vừa đi qua để đổi lấy quyền miễn truy tố đã chính thức đưa Yemen vào lộ trình của một cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày dưới sự điều hành của Phó Tổng thống và một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Vậy là, một lối thoát hẹp cho cuộc khủng hoảng tại Yemen đã được mở. Đã có nhiều lời bàn ra tán vào về thỏa thuận đổi quyền lực lấy sự yên ổn của vị tổng thống thân Mỹ. Tuy nhiên, cuộc mặc cả khó khăn không chỉ đảo ngược quyết tâm bám trụ của ông A.A.Saleh mà còn là một thành công của GCC trong nỗ lực giảm sức nóng của mồi lửa cải cách đang đe dọa ổn định tại Trung Đông và Bắc Phi. Sau hồi kết để lại nhiều hậu quả từ cuộc cách mạng đường phố tại Tunisia, Ai Cập, Libya, GCC có vẻ như đã nhận ra tầm quan trọng của việc phải dập tắt đám cháy tại Yemen trước khi nó lan sang những "người hàng xóm" Arab. Trong xu thế có quá nhiều biến động như hiện nay tại thế giới Arab, một lựa chọn hòa bình quả là liều thuốc giải công hiệu nhất cho sự bất ổn trong khu vực, nơi mà dân chúng - những người ủng hộ và đối lập với thể chế hiện hành đang tỏ ra không ngần ngại lao vào một cuộc đối đầu sinh tử.
Đưa Yemen vào quỹ đạo yên bình cũng là lợi ích trước mắt và lâu dài cho Mỹ - nước bảo trợ cho đất nước bên Vịnh Aden bằng 140 triệu USD viện trợ quân sự/năm. Có nhiều ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo từng được Mỹ xem như là người hùng trong cuộc chiến chống al-Qaeda sẽ không chịu khuất phục nếu không nhận ra tín hiệu thất sủng từ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Trung Đông cũng như tại vùng Vịnh Aden. Hẳn Nhà Trắng không muốn quốc gia nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, nơi có hơn 3 triệu thùng dầu được vận chuyển/ngày, tiếp tục chìm trong bạo lực để tạo cơ hội vàng cho các phần tử al-Qaeda thâm nhập và vị tổng thống lão làng trở thành trung tâm bất ổn tại Yemen.
Có thể tạm yên trước những tiến triển ở Yemen, vòng xoáy bạo lực với các cuộc biểu tình không thuyên giảm ở Syria cũng đã và đang trở thành vấn đề nan giải không chỉ với Mỹ mà còn với cả cộng đồng quốc tế. 80 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người chống đối vào ngày thứ sáu đẫm máu (22-4) khiến đất nước đang bùng nổ này có nguy cơ trở thành một phiên bản của Libya. Vấp phải sự chỉ trích của Nga, Pháp, Anh, Đức và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad dường như vẫn chưa sẵn sàng thỏa hiệp. Đã phát đi cảnh báo đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Damascus vì sử dụng vũ lực quá mức với thường dân, song đã xuất hiện dư luận rằng Mỹ sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi đi nước cờ kế tiếp. Trên thực tế, dù rất muốn tách Syria khỏi người bạn thân Iran, nhưng sự đảo lộn tại đây không có tính chất sống còn với lợi ích của Mỹ mà ngược lại còn có cơ tạo ra khoảng trống quyền lực khi quốc gia này sa lầy hơn nữa vào loạn lạc. Do đó, kịch bản nhiều khả năng nhất sẽ chỉ là những lời kêu gọi thúc đẩy cải cách chính trị ở Syria nhằm hướng Tổng thống B.Al-Assad tới những biện pháp có thể để tình trạng khẩn cấp kéo dài suốt 48 năm qua không còn ám ảnh đất nước này.
Với một dự án có triển vọng tại Yemen và một thách thức đang để ngỏ ở Syria, cơn gió lạ gây xáo động Trung Đông và Bắc Phi chưa ngừng tạo ra bão tố khó đoán định với tương lai khu vực. Phía trước thế giới Arab vẫn là những khoảng tối đầy bí hiểm và ngay vào lúc này thật khó thấy đường ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.