(HNM) - Trong tâm thức sâu thẳm của người Việt, con gà còn là một vật thiêng ở các nghi lễ tâm linh, được người đời dâng lên thần thánh, tổ tiên trong ngày giỗ tết, hiếu hỉ.
Trước những năm tám mươi của thế kỷ XX, tranh Tết là món ăn tinh thần, là biểu trưng cho sắc thái văn hóa tâm linh trong ngày Tết, cầu mong quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc. Thú chơi tranh Tết của người Việt đã trở thành phong tục, nhất là những bức tranh con vật trong 12 con giáp, trong đó có tranh gà.
Tranh gà làng Đông Hồ miêu tả con gà nhìn tổng thể kể cả gà trống, gà mái hay gà con, người xem thấy mềm mại, chân chất, duyên dáng ở các động tác trong sinh hoạt làng quê. Từ bức Mẹ con cho đến gà trống Gáy lúc bình minh, tất cả đều gắn liền với văn hóa lúa nước của Đồng bằng Bắc bộ. Cách vẽ trên giấy điệp và những gam màu chất liệu tự nhiên lấy từ hoa lá đã đẩy tính vui tươi nhộn nhịp của đàn gà lên một bước hoàn hảo. Có thể nói con gà trong tranh Đông Hồ là một loại tranh khá đẹp vì thế người dân chơi xong ba ngày Tết sang tháng hai là lấy xuống cuộn tròn cho vào ống luồng hay ống nứa cất đi để năm sau chơi xuân tiếp.
Ở thành thị ngày xưa, tranh gà Hàng Trống (Hà Nội) là loại tranh rất được ưa chuộng, cách vẽ tạo hình theo lối họa vô định thể, chủ yếu là tranh độc bản vẽ theo cách phối hợp màu rất điêu luyện trên giấy. Những con gà trống vẽ trong tranh khá đẹp, uyển chuyển về đường nét, rực rỡ, lung linh, huyền ảo về màu sắc. Tranh gà trống hay mái cách vẽ độc bản hạn chế được cái nhìn mặc định, vì thế việc biểu đạt tính cách con vật của họa sĩ được sinh động hơn. Nghệ nhân tranh Hàng Trống, đến ngày Tết, thường thi nhau cho ra những mẫu tranh mới kể cả nội dung cho đến bố cục, cấu trúc, tạo hình màu sắc và chất liệu giấy, hoặc chất liệu bền khác như vải… để bán chạy hơn. Ngày nay người ta còn lưu giữ được nhiều bản vẽ ở nhiều thể loại của tranh Tết Hàng Trống về con gà đã vang bóng một thời.
Cùng với tranh làng Hồ, tranh Hàng Trống, tranh gà dân gian ở xứ Huế cũng khá phong phú, đa dạng và đầy cá tính, có sắc thái riêng. Tranh gà của người Huế có một nét riêng ẩn ý vừa rực rỡ của nghệ thuật nhưng rất thanh tịnh, thướt tha song cũng rất trào phúng, có nhiều tranh độc bản chứa đựng hàm ý sâu cay, mang tính xã hội sâu sắc. Nói đến gà, ở Huế có bài thơ dân gian khá hóm hỉnh, vừa tục tĩu vừa thanh tịnh nhẹ nhàng theo cách ứng xử dân gian làng quê xứ Huế.
"Vui xuân nhằm tiết tháng ba,
Ông bà cao hứng bắt gà đá chơi
Gà ông cất cổ gáy hơi
Gà bà thủ bộ đợi thời gà ông
Gà ông chém trúng cạnh mông
Gà bà nổi giận ngậm càn gà ông
Đá nhau một chập ướt lông
Gà bà trúng cựa, gà ông gục cần".
Bài thơ này ra đời từ ngày nào, năm nào, tác giả là ai, cho đến bây giờ cũng chưa ngã ngũ, nhưng nó đã trở thành cảm hứng để ra đời nhiều bức tranh dân gian. Chuyện kể rằng ở làng quê có hai vợ chồng thường xuyên cãi lộn nhau, không ai chịu ai, chồng đánh vợ, vợ đánh lại chồng gây ồn ào trong thôn xóm. Bạn bè, cô bác đến nhà khuyên nhủ mọi cách nhưng không chịu sửa. Nhân Tết năm Dậu, mấy ông bạn nhờ nghệ nhân họa một bức tranh theo ý thơ "đá gà" với dòng chữ "Đá gà đón xuân" để tặng cho vợ chồng này. Thấy ông bạn tặng tranh đón Tết, vợ chồng xúc động mừng lắm, cảm ơn rối rít, ai dè về mở tranh mới biết bạn chơi xỏ mình, vừa giận, nhưng cũng vừa ân hận. Những tranh theo cách châm biếm tương tự không những Huế mà nhiều nơi cũng hay xuất hiện loại tranh này.
Năm Dậu đến nói về tranh gà dân gian thì phong phú lắm, từ một con vật hiền lành mà ở trong đó chứa đựng bao nhiêu điều huyền bí vừa mang tính văn hóa vật thể, ẩm thực vừa đậm nét văn hóa phi vật thể, xét về mặt tâm linh tín ngưỡng là cả một kho di sản văn hóa không thể khai thác hết được, mà tranh con gà là một khía cạnh của nghệ thuật tạo hình vẫn còn sống động trong dân gian Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.