Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đặng Vũ Ngọc Mai| 12/07/2021 07:33

(HNM) - Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của sự siêng năng học tập, cần cù tự học để vượt khó, vươn lên giúp ích cho bản thân và làm nên lịch sử huy hoàng cho dân tộc Việt Nam. Người đã giữ vững tinh thần và ý chí học tập không ngừng trong suốt cuộc đời. Đây là di sản quý báu Người để lại cho những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau học tập, noi theo, tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tự học kiên trì, bền bỉ

Mang trong mình dòng máu quê hương anh hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có chí “đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Cảng Sài Gòn, Người bắt đầu cuộc hành trình dài 30 năm để tìm đường giải phóng đất nước.

Với trí tuệ hơn người và khả năng cảm nhận sáng suốt qua quá trình tự suy ngẫm và đúc rút, người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó đã quyết định đến Pháp - đất nước phát triển vào bậc nhất châu Âu, để tự đúc rút cho mình tư duy và hành động, đó là muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp.

Trong gần mười năm ở Pháp, Bác đã tự học, tự tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho lý tưởng cách mạng của mình. Sau một thời gian tự học miệt mài, có được trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo, Nguyễn Tất Thành rồi sau này là Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1919) đã viết báo và trở thành nhà báo có tiếng ở Paris, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Đỉnh cao có thể kể đến tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” - lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột của nhà cầm quyền Pháp, thể hiện một ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao của quá trình tự học của Bác.

Để làm phong phú hơn nhãn quan chính trị của mình, Người không chỉ dừng chân ở Pháp mà còn đến Italia, Đức, Thụy Sĩ, Anh… để học hỏi, mở mang tầm mắt và bổ trợ cho những kiến thức đọc trong sách vở. Đặc biệt, Người đã đặt chân đến Liên Xô, đất nước rộng lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã tự học tiếng Nga, tham gia viết báo, làm việc ở Bộ Phương Đông. Bằng khả năng học hỏi không ngừng, Người đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lênin và nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa.

Trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bác đã phải trải qua nhiều gian truân, chông gai mà một người bình thường khó có thể vượt qua. Việc làm thơ trong những ngày bị giam giữ trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch và cả tinh thần cách mạng luôn kiên trung ngời sáng để tiếp tục dẫn dắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở trong nước cũng chính là kết quả của quá trình tự học nghiêm túc, sự gian lao khổ luyện và trau dồi bản thân một cách có kế hoạch, khoa học và bền bỉ, kiên trì đến cùng của Người.

Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể”; “Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức”. Đối với Bác, học tập chính là một nhu cầu, nguồn sống mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, trải qua bao năm tháng, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là. Cho đến khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn không ngừng đọc, học, không ngừng tiếp thu cái hay, cái mới, cái có ích cho bản thân và đất nước. Dù đã ở ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, nơi Bác làm việc và nơi ở đều luôn nhiều sách báo, tài liệu. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, “giặc dốt” đáng sợ không kém gì “giặc đói”. Con đường để Việt Nam tiến lên, để non sông gấm vóc được tươi đẹp trường tồn chỉ có thể là con đường của khoa học, của tri thức. Biết người, hiểu người - biết ta, hiểu ta, thì mới có thể đánh thắng được kẻ thù, mới giữ vị thế chủ động trên bàn đàm phán, mới có sức mạnh tuyệt đối để đi đến ngày thống nhất nước nhà.

Học cao, hiểu rộng để phát triển đất nước

Thời gian trôi qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn đang lan tỏa, trở thành kim chỉ nam và triết lý cách mạng cao cả, đúng đắn cho các thế hệ tiếp nối. Người đã góp phần tạo nên mốc son và dấu ấn lịch sử huy hoàng của dân tộc trong thế kỷ XX, mở ra thời đại mang tên Hồ Chí Minh, góp phần làm rạng rỡ non sông và là niềm cảm hứng về con đường tự học, tinh thần tự học cho đến tận hôm nay.

Có thể thấy rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời đấu tranh, là sự nghiệp cách mạng, là nỗi khát khao mãnh liệt làm cho nước mạnh, dân giàu. Người luôn lấy mình làm tấm gương mẫu mực về thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, sự cầu tiến trong học hỏi; lấy đó là nguồn gốc, căn bản để nâng cao trình độ bản thân và ảnh hưởng, lan tỏa tới người khác. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện. Con đường tự học và tinh thần học tập của Bác đã và luôn là bài học quý cho mỗi người Việt Nam hiện nay.

Tự học là cần thiết, nhưng tự học ra sao lại vô cùng quan trọng. Bác cho rằng, phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý thái độ khiêm tốn trong học tập là rất quan trọng. Càng học cao, hiểu rộng, biết nhiều thì càng cần sự khiêm nhường, đúng mực. Bác dạy: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Bác nhấn mạnh: “Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi vì sao, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã vạch ra tầm nhìn cụ thể cho các mốc 2025, 2030 và 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập thì mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những nỗ lực hành động trên mọi lĩnh vực, phương diện thì tinh thần học tập, đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức đóng vai trò then chốt. Vì vậy, mỗi người phải trau dồi cho bản thân tinh thần tự học, tinh thần học tập theo gương Bác, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.