Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con đường tri thức đi đến tương lai

Việt Nhật| 16/05/2021 05:17

(HNMCT) - Ở thời kỳ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sách vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Dẫu ở dạng bản giấy, điện tử hay sách nói, đây vẫn là con đường tri thức dẫn đến thành công.

Việc tạo thói quen đọc cần phải được thực hiện từ khi còn nhỏ. Ảnh: Minh Vũ

Trong một cuộc hội thảo về sách cách đây chưa lâu, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới bày tỏ: “Là người làm về thư viện, phục vụ văn hóa đọc đã hơn 30 năm, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng khi thấy nhiều người ít đọc sách báo, lại càng hiếm khi mua sách. Có những người thích khoe tủ rượu, tủ giầy mà trong nhà không có lấy một tủ sách hay giá sách. Thậm chí có người cả năm không đọc hết một cuốn sách”.

Theo ông Nguyễn Hữu Giới, sẽ là một câu chuyện dài khi đề cập đến sự hình thành và phát triển của thư viện trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng có một điều chắc chắn rằng “sách, thư viện và tri thức là con đường giúp ta đi tới thành công, đồng thời cũng là công cụ quan trọng để loài người xây đắp nên những nền văn minh”.

Rõ ràng, vai trò của sách luôn được các nhà nghiên cứu khẳng định, nhưng thực tế văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, lớp trẻ hằng ngày chuyển sang sử dụng nhiều hơn các thiết bị điện tử thông minh để đọc và tra cứu thông tin qua mạng. Sách đã không còn là con đường duy nhất để khám phá thế giới. Nhiều thư viện, bởi thế, đang ngày một thiếu vắng độc giả, lượng sách báo giấy thu hẹp về số lượng. Không thể phủ nhận, thông tin qua mạng cũng là kênh quan trọng để cung cấp tri thức, nhưng đọc sách mới là phương thức tất yếu để phát triển đời sống tinh thần. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra trước tình trạng số lượng đầu sách bình quân được đọc mỗi năm của người dân Việt Nam quá thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Tiến sĩ Phạm Văn Chung, nguyên giảng viên khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay sách được dịch, được xuất bản ở nước ta ngày càng có nhiều thể loại và có giá trị nhiều mặt, tuy nhiên tình trạng đọc sách ở nước ta rất đáng buồn. Sách một mặt thể hiện tri thức, tư tưởng, quan niệm của người viết, người sáng tác, nhưng mặt khác, người đọc tiếp thu nó cũng cần phải có một tâm hồn, một khả năng tương xứng thì những gì dưới - sau con chữ, ngôn từ kia mới có thể đi đến, đi vào người đọc được”.

Từ kinh nghiệm bản thân, Tiến sĩ Phạm Văn Chung chỉ ra rằng, đọc sách không thể thiếu động cơ, không thể thiếu mục đích, nhu cầu. Khát vọng hiểu biết tri thức, khát vọng sáng tạo chính là động lực trực tiếp lớn nhất của việc đọc sách, nghiên cứu. Và, bên dưới khát vọng sáng tạo là tình yêu, trách nhiệm lớn lao đối với quê hương, đất nước và cả nhân loại.

Để văn hóa đọc phát triển thì mối quan hệ giữa xuất bản và văn hóa đọc hết sức quan trọng. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), ở các nước trên thế giới có hệ thống thư viện được đầu tư lớn, bài bản trong khi ở Việt Nam, mức đầu tư cho thư viện còn thấp. Nếu không tạo được không gian, thời gian cho lớp trẻ tiếp cận sách thì khó lòng tạo được thói quen đọc sách, tìm tòi, khám phá và nghiên cứu. Thực tế, những năm gần đây, “số lượng xuất bản phẩm tăng lên, các bạn trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sách, vấn đề là chúng ta chưa có nhiều cuốn sách đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ hiện nay” - ông Nguyễn Nguyên khẳng định. Việt Nam hiện thiếu vắng những đầu sách có chất lượng phù hợp với giới trẻ, đồng thời cũng chưa có nhiều đầu sách vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, việc tạo thói quen đọc và hướng dẫn cách đọc vẫn đang là khâu yếu trong phát triển văn hóa đọc ở nước ta. Các nhà tâm lý học cho rằng, việc tạo thói quen đọc cần phải được thực hiện trước 16 tuổi, mà để làm được điều này thì cần có sự gắn kết của 3 "nhà": Văn hóa, xuất bản, giáo dục. Khi thời gian trong ngày của mỗi đứa trẻ hầu như phải dành cho việc học thì việc đọc sách đòi hỏi sự tập trung, liên tục hẳn sẽ gặp khó khăn. Tương tự, nếu không có sự hướng dẫn trẻ lựa chọn sách phù hợp lứa tuổi, dạy cách đọc và ghi chép, thì một cuốn sách dẫu hay cũng có thể trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn, khi ấy xu hướng lớp trẻ tìm đến với các cuốn truyện tranh mang tính giải trí là điều dễ hiểu.

Ai đó đã từng nói: “Có rất nhiều cách để mở rộng thế giới của con bạn. Tình yêu với sách là con đường tuyệt vời nhất”. Trước khi mối liên kết giữa văn hóa - xuất bản - giáo dục được thay đổi để thúc đẩy tốt hơn sự phát triển văn hóa đọc thì gia đình vẫn là cánh cửa đầu tiên đưa mỗi đứa trẻ đến với sách - con đường tri thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Con đường tri thức đi đến tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.