Thông tin thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đạt được tại Gaza đã mang lại hy vọng chấm dứt tình trạng đổ máu kéo dài 15 tháng tại vùng lãnh thổ này.
Dù được nhiều người mong đợi, song các nhà phân tích quốc tế nhận định rằng, thỏa thuận không giải quyết được các vấn đề sâu xa thúc đẩy xung đột Israel - Palestine nên con đường dẫn đến hòa bình lâu dài ở Trung Đông vẫn gập ghềnh.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đánh dấu bước ngoặt của một trong các cuộc leo thang bạo lực tàn khốc nhất trong những năm gần đây, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gây ra sự tàn phá trên diện rộng. Theo các điều khoản được đàm phán, Israel sẽ thả những người bị giam giữ, bao gồm cả các cá nhân bị cáo buộc hoạt động khủng bố, để đổi lấy các con tin do Hamas bắt giữ. Vấn đề nhân đạo cũng là một thành phần quan trọng với cam kết viện trợ cho Gaza, nơi thường dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong suốt cuộc xung đột.
Văn kiện này đã mang lại hy vọng về hòa bình cho Dải Gaza đang bị chiến tranh tàn phá và khu vực Trung Đông nói chung. "Tôi hoan nghênh thông báo về thỏa thuận bảo đảm lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Gaza", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, kêu gọi tuân thủ chặt chẽ các điều khoản. "Nhiều người đã hy vọng vào khoảnh khắc này trong 15 tháng qua", Tổng ủy viên của cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini cho biết trên mạng xã hội X. Khi thỏa thuận cuối cùng được thông qua sau nhiều vòng đàm phán, người dân Gaza đã xuống đường bày tỏ sự phấn khích về lệnh ngừng bắn.
Đánh giá về sự kiện, Chủ tịch Mitvim - Viện Chính sách Đối ngoại khu vực của Israel Nimrod Goren cho biết, thời điểm ký kết thỏa thuận ngừng bắn trùng với những thay đổi trong bối cảnh chung của khu vực. "Israel, sau khi đạt được những thành công quân sự chống lại Hezbollah ở Lebanon, cảm thấy an toàn hơn trong vị thế của mình. Hamas, đối mặt với áp lực liên tục, có thể đã nhận ra nhu cầu tạm thời hòa hoãn để hiệu chỉnh lại chiến lược. Những yếu tố này, kết hợp với các nỗ lực hòa giải bên ngoài, đã tạo ra một thời điểm mà cả hai bên đều sẵn sàng chấp nhận các điều khoản mà họ đã từ chối trước đó", ông Nimrod Goren nói. Thỏa thuận ngừng bắn có thể mang lại sự bình yên ban đầu và là bước đầu tiên hướng tới việc giảm bớt đau khổ nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza.
Tuy nhiên, bất chấp bước đột phá trên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về thỏa thuận này. Số phận của những người lính, người trong độ tuổi nhập ngũ chưa được giải quyết và cả các câu hỏi về việc Hamas tiếp tục kiểm soát Gaza cũng như sự ổn định lâu dài của lệnh ngừng bắn... Nỗi quan ngại thể hiện ngay trong việc các bên đã cáo buộc nhau cản trở thực thi thỏa thuận. Khi lệnh ngừng bắn chuẩn bị có hiệu lực, Văn phòng Thủ tướng Israel cáo buộc phong trào Hamas “phản bội các thỏa thuận” và tạo ra một cuộc khủng hoảng vào phút chót. Trong khi, Hamas bác bỏ tuyên bố này, cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được các bên trung gian công bố có hiệu lực từ ngày 19-1.
Lệnh ngừng bắn có tác động rộng hơn đến khu vực. Nhà khoa học chính trị người Israel Zeev Hanin nhận định, thỏa thuận này là một bước lùi đối với Iran, đồng thời lưu ý rằng, vai trò suy yếu của Iran đã khiến Hezbollah và Hamas ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ viện trợ nhân đạo được hứa hẹn trong thỏa thuận.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas phản ánh sự cân bằng quyền lực được hiệu chỉnh lại, phần lớn định hình bởi sự hợp tác Israel - Mỹ và các thành viên chủ chốt của khối Arab. Ông Zeev Hanin nhấn mạnh rằng, mặc dù các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ có sự tham gia hạn chế nhưng thỏa thuận này vẫn cho thấy tầm quan trọng của hợp tác khu vực. Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Birzeit ở Bờ Tây Ghassan Khatib cảnh báo: "Những thách thức thực sự sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện thỏa thuận và rút quân của Israel, do không có sự sắp xếp rõ ràng về quản lý chính trị và hành chính ở Dải Gaza, điều này sẽ làm phức tạp thêm tình hình”.
Mặc dù có sự lạc quan xung quanh lệnh ngừng bắn, cả hai bên vẫn cảnh giác về sự mong manh của nó. Và những diễn biến phức tạp trên dường như báo hiệu căng thẳng đang leo thang theo chiều hướng mới. Khi đó, thỏa thuận tiềm năng để giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Israel - Hamas sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn để có thể triển khai trên thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.