(HNM) - Chưa đầy một tiếng sau khi Nghị viện Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Tây Ban Nha, chính quyền trung ương Madrid đã lần đầu tiên kích hoạt Điều 155 trong Hiến pháp năm 1978, qua đó chính thức kiểm soát vùng tự trị này.
Hàng nghìn người Tây Ban Nha xuống đường tại TP Madrid để phản đối tuyên bố độc lập của xứ Catalonia. |
Khi Điều 155 có hiệu lực, Chính phủ Tây Ban Nha có quyền tiếp quản toàn bộ chính quyền vùng Catalonia, cũng như ngân sách, các cơ quan cảnh sát và truyền thông địa phương. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ấn định cuộc bầu cử sớm tại khu vực này vào ngày 21-12 tới nhằm “khôi phục nền dân chủ”, đồng thời cách chức Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo xứ Catalonia. Mọi công việc điều hành của Thủ hiến C.Puigdemont đã được Thủ tướng M.Rajoy tiếp quản và chuyển giao cho Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria.
Trước động thái kiên quyết của chính quyền trung ương, Thủ hiến C.Puigdemont cáo buộc Madrid đã đi ngược lại nguyện vọng của người dân Catalonia. Cựu lãnh đạo ly khai cũng kêu gọi làn sóng phản đối một cách dân chủ đối với việc chính quyền Madrid tiếp quản vùng đất giàu có này. Trong khi đó, hàng nghìn người dân Tây Ban Nha đã tập trung tại quảng trường Plaza Colon ở thủ đô Madrid để thể hiện quan điểm ủng hộ đối với sự thống nhất đất nước.
Cho đến nay, không có quốc gia hay tổ chức quốc tế nào chính thức lên tiếng công nhận việc Catalonia tuyên bố ly khai. Trong khi đó, các nước Anh, Đức, Pháp, Italia, Mỹ đã lập tức khẳng định không chấp nhận nền độc lập của Catalonia và tiếp tục ủng hộ chính quyền Madrid duy trì sự thống nhất. Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng nhìn nhận đây không còn là vấn đề của riêng Tây Ban Nha do lo ngại làn sóng ly khai có thể lây lan tới nhiều nước khác trong khu vực.
Sự chia rẽ trong khối và trong chính nội bộ các nước thành viên đang gây ảnh hưởng tới sự đoàn kết và thống nhất của Liên minh Châu Âu (EU) vốn là yếu tố cốt lõi làm nên sức mạnh của ngôi nhà chung. Sau tuyên bố đơn phương của Catalonia về việc tách khỏi Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố, chính quyền trung ương Tây Ban Nha vẫn sẽ là bên đối thoại duy nhất của EU. Ông cũng kêu gọi Madrid ưu tiên đối thoại thay vì sử dụng vũ lực để giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay.
Theo các nhà phân tích, xứ Catalonia với 7,5 triệu dân hiện không có đủ lực lượng an ninh để thiết lập vùng biên giới cho một quốc gia độc lập. Các lĩnh vực chủ chốt như thuế, ngoại giao, quốc phòng, các cảng, sân bay và ga tàu đều nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ Tây Ban Nha. Madrid hiện cũng nắm toàn quyền quản lý chi tiêu của Catalonia. Bên cạnh đó, cựu lãnh đạo C.Puigdemont đang tỏ ra rất mơ hồ về bước đi tiếp theo của những người ủng hộ ly khai, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Tây Ban Nha đã bắt đầu cho tiến hành các hành động kiểm soát trực tiếp.
Trong khi đó, do lo ngại bất ổn, nhiều doanh nghiệp đang rời bỏ Catalonia hoặc tạm ngừng hoạt động tại khu vực này. Theo Hiệp hội Đăng ký thương mại Tây Ban Nha, hơn 900 công ty, bao gồm các ngân hàng, công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh ra khỏi vùng Catalonia. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 tới nay đã có hơn 1.500 công ty di dời trụ sở chính khỏi xứ này vì những bất ổn liên quan đến tình trạng pháp lý của khu tự trị.
Việc xử lý cuộc khủng hoảng tại Catalonia thực sự là thử thách đối với chính quyền của Thủ tướng M.Rajoy. Nếu không được giải quyết triệt để, “cơn địa chấn” chính trị tại Tây Ban Nha có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai và chủ nghĩa dân tộc đang nhen nhóm tại nhiều quốc gia Châu Âu và đe dọa sự ổn định của cả khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.