Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn đau thắt ngực và điều cần biết

Hương Thủy| 06/11/2018 13:33

Đau thắt ngực là biểu hiện của bệnh mạch vành. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Bác sỹ Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam) khám bệnh cho bệnh nhân.


Cơn đau thắt ngực - biểu hiện của bệnh mạch vành

Theo bác sỹ Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam), đau thắt ngực là một biểu hiện của bệnh mạch vành, nguyên nhân là do tổn thương động mạch vành. Cơ tim làm việc liên tục, cả ngày lẫn đêm, vì thế cần được cung cấp oxy liên tục. Cơ tim lấy oxy từ các động mạch vành cấp máu nuôi tim. Khi cơ tim làm việc nhiều hơn bình thường, nhu cầu oxy cũng cao hơn. Nếu động mạch vành không cấp đủ oxy cho cơ tim (mạch vành bị hẹp hoặc tắc, do xơ vữa mạch máu, hoặc do cục máu đông), sẽ xuất hiện các triệu chứng của cơn đau thắt ngực.

Người bệnh thường đau theo cơn. Cơn đau điển hình là đau sau xương ức, hơi lệch trái, đau bóp nghẹt ngực hoặc đau nhói như dao đâm. Đau có thể lan lên cổ, lên cằm, hoặc lan ra sau lưng hay lan xuống cánh tay. Cơn đau tiến triển tăng dần, kéo dài khoảng 15 đến 30 phút. Cơn đau giảm đi khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc. Các triệu chứng kèm theo thường là vã mồ hôi lạnh, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, nôn, buồn nôn, hồi hộp, khó thở, mệt mỏi…

Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện liên quan đến những yếu tố tác động như khi gắng sức, căng thẳng tâm lý, căng thẳng hoặc cảm xúc thay đổi đột ngột bởi tức giận, vui buồn quá mức, nhưng cơn đau thắt ngực ổn định cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh bị hạn chế gắng sức, bị cản trở các công việc thường ngày. Trường hợp nặng nhất là xuất hiện nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng.

Nếu được chẩn đoán đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành, người bệnh cần đi khám định kỳ và được theo dõi bởi thầy thuốc chuyên khoa tim mạch. Các biện pháp để xác định bị bệnh động mạch vành là điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính mạch vành, chụp động mạch vành xâm nhập.

Bác sỹ Linh cho biết, những người có nguy cơ cao tổn thương động mạch vành và xuất hiện triệu chứng của cơn đau thắt ngực thuộc các nhóm đối tượng sau: Nam giới, tuổi cao, nghiện thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiền sử gia đình có người thân bị bệnh mạch vành.

Có nhiều biện pháp để điều trị đau thắt ngực ổn định, bao gồm: Điều trị bằng thuốc, can thiệp động mạch vành, phẫu thuật.

Các thuốc dùng để điều trị đau thắt ngực ổn định là nitroglycerin, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel), thuốc giảm mỡ máu, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển. Bệnh nhân phải được theo dõi định kỳ bởi thầy thuốc chuyên khoa và uống thuốc liên tục. Điều trị nội khoa tối ưu có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ suy tim, giảm tỉ lệ nhập viện vì cơn đau ngực, cũng như giảm tỉ lệ tử vong của người bệnh.

Nên tập thể dục đều đặn nhưng tránh môn thể thao nặng


Can thiệp động mạch vành là thủ thuật mở thông nhánh động mạch vành bị hẹp. Nhờ một ống thông đưa vào lòng mạch qua da, bác sỹ sẽ dùng một quả bóng nong rộng mạch vành, đặt vào đó một giá đỡ kim loại (stent) để giúp mạch vành không bị hẹp lại. Qua đó, tăng cường lượng máu cung cấp cho cơ tim và cải thiện các triệu chứng của người bệnh.

Trong một số trường hợp tổn thương động mạch vành phức tạp, cần tiến hành phẫu thuật làm cầu nối từ động mạch chủ xuống mạch vành đoạn xa, vượt qua chỗ hẹp, nhờ đó cải thiện dòng máu giàu oxy đi đến cơ tim.

“Cần nhớ là ngay cả khi đã được can thiệp mạch vành hay phẫu thuật thì người bệnh vẫn phải tiếp tục uống thuốc định kỳ, đều đặn. Ngừng thuốc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và đe dọa tính mạng”, bác sỹ Linh lưu ý.

Những bệnh nhân bệnh mạch vành thường e sợ hoạt động thể thao sẽ gây nguy hiểm cho tim của họ. Tuy nhiên, tập luyện thể dục thể thao đều đặn là một phần của quá trình điều trị. Nó có tác dụng hạn chế sự tiến triển của bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vận động thể dục đều đặn và đúng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát cơn đau thắt ngực.

Tuy nhiên, người bệnh nên tránh những môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều oxy như chạy bộ, bơi nhanh, quần vợt. Thay vào đó, người bệnh có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, tập thái cực quyền, bơi chậm…

Có một số nguyên tắc nên tuân theo nếu muốn việc tập luyện thể thao thực sự đem lại lợi ích cho bệnh mạch vành của người bệnh là: Tập luyện kiên trì trong thời gian dài; tập luyện đều đặn, tối thiểu 4-5 buổi một tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng 30 phút; tập luyện với cường độ nhẹ đến vừa, đủ để làm nóng cơ thể.

Bác sỹ Linh cũng khuyến cáo, người bệnh không nên tập đến mức gây khó thở; tránh những hoạt động thể lực có thể gây tăng áp lực lồng ngực hay áp lực ổ bụng; nếu mới bắt đầu tập luyện sau thời gian bị bệnh, hãy khởi đầu với cường độ thấp trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần mức tập và thời gian tập; ngừng ngay mọi hoạt động thể lực và đến khám bác sỹ nếu bạn có các biểu hiện tức ngực, khó thở, chóng mặt… khi tập thể thao.

Để phòng ngừa bệnh, cần điều trị những yếu tố nguy cơ tim mạch như: Rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu); ít vận động thể chất; thừa cân, béo phì, stress, hút thuốc lá …; đồng thời, có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm giữ mỡ máu không bị rối loạn; cần kiểm soát tốt huyết áp, từ bỏ thuốc lá nếu là người hút thuốc lá.

Thông thường, đau ngực trái có thể do rất nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân tương đối lành tính (như ngoại tâm thu), trong khi lại có những nguyên nhân là tình trạng cấp cứu nặng (như bệnh lý mạch vành, phình tách động mạch chủ). Nếu còn trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh tim mạch, cơn đau ngực ngắn (kéo dài chỉ khoảng vài phút) thường không liên quan đến tình trạng cấp cứu nghiêm trọng. Ngược lại, nếu là người có tuổi, có tiền sử tăng huyết áp hay đái tháo đường, cơn đau ngực trái là một dấu hiệu cho thấy cần phải đến cơ sở y tế ngay lập tức.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn đau thắt ngực và điều cần biết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.