Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, hầu như không mấy ai không biết dù chỉ một khái niệm rất đơn sơ về hòn đảo đã từng là “trường học cách mạng” của các thế hệ cha ông thuở trước. Chiến tranh qua đi, đất nước hoàn toàn giải phóng, từ một “địa ngục trần gian”, Côn Đảo đã trỗi dậy và từng ngày, từng giờ thay da, đổi thịt. Đến hôm nay huyện đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu này đang thực sự là một thiên đường về phát triển kinh tế.
Cảng Bến Đầm
Lên máy bay trực thăng từ thành phố Hồ Chí Minh, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, bạn đã có thể đặt chân lên Côn Đảo - vùng đất huyền thoại của Tổ quốc. Nếu thích cảm giác lênh đênh trên biển, đường ra Côn Đảo cũng không mấy khó khăn. Có thể xuất phát từ cảng Bạch Đằng (thành phố Hồ Chí Minh), hoặc từ cảng mang tên Côn Đảo ở Vũng Tàu, sau một hải trình dài 12-13 giờ đồng hồ, các con tàu 09, 10, sẽ đưa bạn ra đảo.
Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, nằm ở phía Đông - Nam của đất nước, cách thành phố Vũng Tàu 180km, với tổng diện tích 76km2. Vùng biển bao quanh Côn Đảo là một ngư trường rộng lớn, dường như mùa nào mật độ các loài hải sản cũng rất cao. Theo các nhà địa chất thì đây là vùng thềm lục địa giàu tiềm năng khoáng sản.
Hơn thế, chiếm phần lớn diện tích Côn Đảo là một hệ thống rừng nguyên sinh bạt ngàn, với những ngọn núi thật thơ mộng. Đỉnh cao nhất của đảo núi là núi Thánh Giá, cao 577m so với mặt nước biển, quanh năm mây phủ. Trên đường lên núi, bạn sẽ bắt gặp vô số những loài động, thực vật, trong số đó có những loài đặc hữu. Lên đến đỉnh, bạn sẽ tha hồ quan sát cả không gian rộng lớn, thơ mộng và cảm nhận không khí cả của rừng lẫn biển thật trong lành và êm dịu. Người dân trên đảo thường nhắc đến một ngọn núi mang tên đỉnh Tình Yêu. Ngọn núi này nằm ở Hòn Bà, cao 321m. Từ xa nhìn về hướng Hòn Bà, chỉ cần để ý quan sát bạn sẽ nhận ra hình dáng hai con người nghiêng đầu vào nhau trông thật thơ mộng.
Ngoài sóc đen Ra-tu-la, bồ câu Ni-cô-ba thuộc loài quý hiếm sống rải rác trên đảo, dưới đáy biển có những rạn san hô thật lộng lẫy, đó cũng là nơi sinh sống của những chú rùa biển họ vích Chê-lô-nia My-đa-sba, những chú Đu-gông... thuộc loại động vật mà thế giới đang báo động nguy cơ tuyệt chủng cao.
Từ năm 2000 trở về trước, nhiều nhà khảo cổ học nước ta đã nhắc đến điểm khảo cổ Hàng Dương ở Côn Đảo với những cổ vật có giá trị. Nhưng từ năm 2000 đến nay, nhiều di vật tìm thấy ở nhiều điểm khác tại Côn Đảo đang được giới khảo cổ thế giới quan tâm. Những dấu vết của một nền văn hóa cổ đã bắt đầu được tìm thấy ở 6 điểm khai quật. Gần đây nhất, trên một vùng diện tích khoảng 300m2, người ta đã tìm thấy di chỉ Cồn Miếu Bà có rất nhiều di tích và di vật của nhiều thời đại.
Cùng với những di tích, di vật khai quật được trên đảo, kết hợp với việc tìm thấy những thương thuyền chứa đầy cổ vật bị đắm trong vùng biển này, các nhà khảo cổ học khẳng định đã có thời Côn Đảo từng là thương điếm, cảng thị quan trọng của con đường tơ lụa, gốm sứ. Biết đâu Côn Đảo đã từng là cầu nối của hai nền văn minh Đông Tây ?
Côn Đảo có hơn 20 bãi tắm đang ở dạng hoang sơ. Các bãi nằm rải rác quanh đảo. Một số bãi có tên tuổi như Đầm Trầu, Bãi Nhát, Bãi Nhỏ, Hòn Cau đã được khách du lịch quốc tế xếp vào hàng bãi tắm “5 sao”. ở đó có những bãi cát trải dài, mịn như làn da con gái, lại có cả mặt nước trong xanh, có thể nhìn rõ rạn san hô đung đưa như vẫy gọi, mời chào du khách khám phá thế giới kỳ ảo của đại dương.
Đến Côn Đảo bạn sẽ được nghe những truyền thuyết về tình yêu thật hấp dẫn. Cả chuỗi đảo huynh đệ với những cái tên rất lạ: Tài Lớn, Tài Nhỏ, Trác Lớn, Trác Nhỏ nằm đối diện đảo Côn Lôn đã từng là chứng tích cho chuyện tình ngang trái giữa nàng Minh Nguyệt đa tình cùng hai anh em song sinh Đặng Phong Tài và Đặng Trác Vân. Và kia nữa, Núi Chúa sừng sững, nằm phía Tây Bắc trung tâm đảo lớn, giống như một bức tường thành. Trên núi còn có một bàn cờ khắc trên đá, truyền thuyết kể rằng chúa Nguyễn ánh khi bôn tẩu ra Côn Đảo đã chọn nơi đây làm chốn tiêu sầu.
Ngày nay cùng với khu nuôi cấy ngọc traikỹ thuật cao đang hình thành, nhiều hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế khác của thềm lục địa đang bắt đầu được đầu tư trong vùng biển đảo. Nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái đang bắt đầu khởi động.
Với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và trong lành, từ khi trở thành Vườn quốc gia (1993) các loài động - thực vật ở Côn Đảo càng được bảo vệ chặt chẽ. Với 882 loài thực vật và 144 loài động vật rừng, Côn Đảo còn có 1300 loài sinh vật biển đang sinh sống. Trong kế hoạch 2002-2005, Côn Đảo được đầu tư hơn 60,7 tỉ đồng để bảo tồn các khu di tích lịch sử và bảo tồn thiên nhiên. Quả nơi đây thật sự là vùng lý tưởng cho các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực địa lý, địa chất, sinh vật, hải dương học... nghiên cứu. Hơn thế nữa, nơi đây có đủ điều kiện để phát triển ngành công nghiệp không khói - du lịch. Được biết Chính phủ đã có quyết định đầu tư mở rộng sân bay Cỏ ống để trong tương lai gần, hàng ngày các loại máy bay lớn có thể đưa du khách ra Côn Đảo.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.