(HNM) - Album
Sử dụng các hình ảnh gợi cảm thông qua trang phục, các động tác biểu diễn là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trên sân khấu âm nhạc ở nước ta hiện nay. Thậm chí, có những chương trình nghệ thuật nghe tên rất nghiêm túc và được truyền hình trực tiếp cũng vẫn có những hình ảnh này. Không chỉ âm nhạc, một số loại hình nghệ thuật khác cũng đưa yếu tố dục tính vào nhằm làm tăng sự chú ý của khán giả hoặc gây sốc cho người xem. Mới đây, một họa sỹ nghệ thuật trình diễn đã không mặc quần áo và vẽ lên da những hình ảnh mà chỉ có chị mới hiểu được rồi ngồi lặng im giữa triển lãm bất chấp lời đàm tiếu của người xem. Phim "Trung úy" của đạo diễn Hà Sơn cũng được cho là phim có yếu tố dục tính mặc dù hội đồng duyệt phim quốc gia đã yêu cầu cắt bỏ khá nhiều những cảnh ái ân.
Sử dụng tình dục như phương tiện để biểu đạt không phải là điều mới mẻ đối với các loại hình nghệ thuật. Cách đây nhiều thế kỷ, hội họa ở các nước phương Tây đã vẽ bằng sơn dầu hay đúc những bức tượng nude bằng chất liệu đồng. Các thế kỷ tiếp theo và hiện tại, sex vẫn được đưa vào điện ảnh, sân khấu, hội họa. Điều quan trọng là quan niệm của người phương Tây hoàn toàn khác với người Việt Nam. Sex trong phim ảnh hay sân khấu ở Việt Nam xuất phát từ yêu cầu của câu chuyện, nói một cách khác, kịch tính đẩy nhân vật tới mức đó chứ không phải để câu khán giả. Ngành văn hóa đã có những quy định về trang phục biểu diễn trên sân khấu để không đi ngược lại thuần phong mỹ tục Việt Nam, song rất tiếc không hiểu vì lý do gì mà album "Giác quan thứ 6" vẫn bày bán công khai trên các sạp băng đĩa.
Sex là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng có mức độ và hợp lý sẽ gây ra hiệu quả thẩm mỹ. Ngược lại, nếu lạm dụng sẽ dẫn tới phản cảm, khiến khán giả từ tôn trọng nghệ sỹ, có thể chuyển sang... coi thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.