(HNMO) - Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố khóa XV diễn ra sáng nay (5-12), các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã có những biện pháp tăng cường quản lý.
Còn bất cập trong quản lý trường tư thục
Tại nội dung chất vấn về công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập, các đại biểu Phạm Thị Thanh Hương, Nguyễn Quang Thắng, Đỗ Thuỳ Dương, Hoàng Thị Tú Anh, Vũ Mạnh Hải quan tâm đến việc các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục ngày càng nở rộ và đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dung về trách nhiệm của Sở trong công tác quản lý.
Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, hiện nay các nhóm trẻ, thuê địa điểm nhà dân, chung cư hoạt động, đây là những khu vực hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu. Những cơ sở này chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân vì tiện về thời gian và cự ly, khoảng cách đưa đón trẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Sở GD-ĐT, một số chủ nhóm lớp nhận thức còn hạn chế, chưa nắm vững được pháp luật.
Công tác quản lý nhóm trẻ được phân cấp cho các xã, phường quản lý. Do đặc điểm về nhân sự, chuyên môn số lượng người về phân cấp quản lý còn tồn hạn chế nên bộc lộ không ít sai sót.
Với trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đã xác định các nhóm giải pháp là:
Đối với cấp mầm non, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo hoạt động tư thục, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn; yêu cầu các địa phương công khai giấy phép trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở cũng hướng dẫn các đơn vị về thủ tục cấp phép cho các nhóm trẻ; có văn bản tập huấn, nâng cao nghiệp vụ. “Hiện 100% nhóm trẻ được tập huấn bằng hình thức online”, ông Chử Xuân Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề cao công tác giám sát cấp phép và sau cấp phép, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Theo ông Chử Xuân Dũng, Sở GD-ĐT đã kiểm tra 1.090 nhóm trẻ, lớp tư thục trên tổng số 2.678 nhóm trẻ, trong đó có 2.669 nhóm trẻ đã được cấp phép hoạt động.
Ngoài các biện pháp trên, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề cao giải pháp tuyên truyền, những công việc liên quan đến cấp phép, quản lý ngành cần được đăng công khai trên các phương tiện truyền thông, kịp thời nêu gương những điển hình tốt và phê bình, xử lý những hoạt động sai phạm.
Sự việc xảy ra tại Trường Gateway: Do lỗ hổng quản lý, làm việc thiếu trách nhiệm
Liên quan đến nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự việc tại Trường Gateway hồi tháng 8-2019 mà một số đại biểu nêu, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, đây là sự việc hy hữu, đau xót với ngành. Ngành GD-ĐT có một phần trách nhiệm.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nguyên nhân là do có lỗ hổng trong quản lý, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của cá nhân trực tiếp liên quan đến sự việc; còn nguyên nhân cụ thể cần chờ xác minh, công bố của cơ quan điều tra.
Để không xảy ra những sự việc tương tự, ông Chử Xuân Dũng cho hay, ngay sau sự việc đau lòng, ngành đã tổ chức rà soát, yêu cầu các trường báo cáo thống kê số lượng xe, biển số xe, số lượng ghế và học sinh đi xe… gửi Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Hiện thành phố có 246 trường với 2.293 xe, khoảng 40.900 học sinh tham gia phương tiện đưa đón.
Sở yêu cầu các trường tham gia dịch vụ xây dựng quy trình đưa đón trẻ em đến trường, quản lý trong giờ học, bàn giao về gia đình hằng ngày đảm bảo nghiêm túc...
Người đứng đầu ngành GD-ĐT Thủ đô cũng lưu ý, vừa qua phương tiện đại chúng thông tin ở một số tỉnh, xe ô tô kém chất lượng đã được nhóm gia đình thuê vận chuyển con em đi học. Tình trạng này trước đây cũng đã diễn ra tại huyện Đan Phượng, Ba Vì nên cần được kiểm soát chặt chẽ, không để sai sót xảy ra.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn nhóm vấn đề về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội vẫn là một trong những đơn vị có quy mô lớn nhất cả nước về giáo dục. Hiện Hà Nội có 2.746 trường với trên 2 triệu học sinh, so với cùng kỳ năm trước, tăng 34 trường, tăng 1.969 nhóm lớp, tăng hơn 40.000 học sinh. Trường ngoài công lập hiện có 534 trường, chiếm gần 14% tổng số học sinh. Với quy mô như vậy, vai trò quản lý của ngành Giáo dục rất quan trọng.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, ngành GD-ĐT đã ban hành những văn bản về quản lý nhà nước đúng trách nhiệm, khắc phục những tồn tại đã được chất vấn kỳ trước, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc Kết luận 16, trong đó liên quan đến việc rà soát, kiểm định ra sao; UBND thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT rà soát lại những khoảng trống, cần thiết trình HĐND để có cơ chế quản lý, vì sao có trường chất lượng cao hơn, vì sao có trường phụ huynh phải đóng nhiều tiền hơn…
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, vai trò trong quản lý nhà nước của các quận, huyện về giáo dục cần phát huy hơn nữa. Những quy định, quy chế về giáo dục học sinh, xâm hại học đường cần phải được các địa phương quy định rõ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.