(HNM) - Không chỉ được biết đến là cường quốc về công nghệ với sức mạnh của xe hơi và các thiết bị điện tử, Nhật Bản còn có những bí quyết về dinh dưỡng và duy trì cuộc sống lành mạnh, trong đó có một bí quyết rất đặc biệt giải mã vẻ đẹp của làn da Nhật Bản là sử dụng collagen.
Bí quyết này đã lan truyền từ châu Á sang châu Âu, nhiều phụ nữ coi collagen như một loại "thần dược" với hy vọng trẻ hóa làn da. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tranh cãi về lợi ích của các loại sản phẩm này.
Thực phẩm chức năng chứa collagen được bán rất nhiều ở Nhật Bản. |
Collagen là một loại
protein chiếm tới 25% tổng lượng protein trong cơ thể người, có chức năng chính là kết nối các mô trong cơ thể lại với nhau. Da mặt chúng ta có thể căng mịn khi còn trẻ và chùng nhão nhiều nếp nhăn khi về già là do sự thay đổi về tính chất của collagen. Khi qua tuổi 25, mỗi năm lượng collagen trong cơ thể con người sẽ giảm đi 1%. Vì thế collagen chính là nhân tố quan trọng duy trì sự trẻ trung.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, khoa học ngày càng tiến bộ và collagen đã được nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia chăm sóc sắc đẹp chứng minh như một liệu pháp chữa trị tuyệt vời để duy trì nét thanh xuân. Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học, công nghệ và thành công nhất trong công nghệ nghiên cứu, chế biến collagen. Điều này được thể hiện rõ qua ưu thế của các sản phẩm giàu collagen trên thị trường thực phẩm Nhật Bản. Các loại thức ăn và sữa chua gia tăng hàm lượng collagen xếp đầy trên kệ các cửa hàng tại Tokyo. Trên các thực đơn nhà hàng hay tờ ghi chú gắn trong bếp mỗi gia đình đều có đánh dấu các loại trà, đồ uống và món ăn chứa nhiều collagen, có khả năng làm căng da mặt, xóa vết nhăn và chống lão hóa. Trước đây, món "suppon" hay rùa mai mềm được coi là cao lương mỹ vị tại Nhật Bản nhưng chỉ có nam giới thưởng thức. Tuy nhiên, gần đây, phái nữ bắt đầu ưa thích món ăn này. Sosuke Miyagawa, chủ nhà hàng suppon "Hanabishi" cho biết: "Một bữa suppon cung cấp rất nhiều collagen. Tất cả các nữ thực khách tới ăn tại quán đều nói rằng làn da của họ đẹp lên rất nhiều vào buổi sáng hôm sau". Trên thế giới, nhiều chuyên gia thẩm mỹ còn bơm collagen cho khách hàng muốn có đôi môi thêm dày và gợi cảm, và họ sử dụng các loại thức ăn giàu chất gelatin giúp cho quá trình làm đẹp.
Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của các phương pháp bổ sung collagen cũng còn nhiều tranh cãi. Ngay tại đất nước nổi tiếng với những chế phẩm về collagen là Nhật Bản, các chuyên gia cũng tranh cãi sôi nổi. Nhiều bác sĩ lên tiếng, trào lưu collagen chẳng qua được tạo ra do các show quảng cáo giật gân của các hãng mỹ phẩm, đánh vào tâm lý muốn được trẻ đẹp của phụ nữ. Sự lập lờ ở đây là, họ có thể nói suốt ba tiếng về tác dụng của collagen, nhưng làm thế nào để collagen từ thực phẩm chuyển hóa vào cơ thể thì rất ít nói đến. Trên tờ Thời báo Nhật Bản (JapanTimes) nhà khoa học dinh dưỡng Kuniko Takahashio của Đại học Gunma khẳng định, uống collagen cũng không khác gì ăn thịt, cá hoặc các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vì collagen sẽ được tiêu hóa thành các axit amin như các protein khác. Kuniko Takahashio khẳng định rằng quảng cáo kem dưỡng da có tác dụng bổ sung collagen là lừa bịp vì collagen được sản sinh ở trong da, chứ không được hấp thụ qua da.
Thực tế, các hãng mỹ phẩm đã phá vỡ cấu trúc của collagen, chuyển chúng thành dạng dung dịch và vì vậy chúng có thể thấm vào da. Nhưng, mặc dù collagen mới này có thể thấm qua da, cũng chưa có nghiên cứu nào xác nhận rằng có bất kì hiệu quả nào của việc bổ sung hàm lượng collagen trên da. Nằm trên bề mặt, collagen không có tác dụng gì ngoài chức năng là một chất giữ nước (là yếu tố giữ ẩm tự nhiên trên da). Điều này tốt nhưng nó không làm thay đổi hình dạng và tính đàn hồi của da.
Cho dù còn nhiều tranh cãi, song rất nhiều người tiêu dùng Nhật Bản cũng như châu Á cho rằng uống collagen hoặc sử dụng kem dưỡng collagen thực sự khiến làn da họ trông trẻ trung hơn và xu hướng sử dụng các sản phẩm collagen theo đường uống thực sự là cơn sốt tại một số nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản trong nhiều năm trở lại đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.