Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cội xưa”- Nơi nghệ nhân thả hồn

Lê Thảo| 10/08/2010 07:13

(HNM) - Hàng trăm nghệ nhân, hàng triệu mũi kim và 2 vạn ngày công để "ra lò" một tác phẩm tranh thêu có tên rất gợi: "Cội xưa", với diện tích 170,5m2, trọng lượng phần vải khoảng 1,2 tấn. Đó là tâm huyết và công sức của những người con đất Ninh Bình dâng tặng Thủ đô nghìn tuổi.

Ý tưởng của một "vóc liễu"

Cô gái Phạm Thị Hoài, sinh năm 1984, ở mảnh đất nghề giàu truyền thống Ninh Bình. Khi còn là sinh viên Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương (trước đây là Cao đẳng Nhạc họa trung ương), Hoài từng tới nhiều làng nghề ở Hà Tây (cũ) và Hà Nội. Về quê dạy học, cô thấy cuộc sống của những người thợ giỏi quê mình, nhất là người ở làng nghề thêu Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư) kém xa những người thợ ở những nơi cô đã đi qua. 800 năm giữ nghề với gần 80% người dân biết thêu và thêu thành thạo nhưng nghề thêu Văn Lâm chưa thể thăng hoa. Điều đó khiến Hoài luôn trăn trở.

Một phần bức tranh thêu Cội xưa. Ảnh: Linh tâm

Hoài gác lại việc giảng dạy, chuyển sang làm thiết kế cho một công ty ở Ninh Bình. Những tháng ngày cầm bút vẽ, trong đầu cô bỗng lóe lên ý tưởng thêu bức tranh lớn để đem đi triển lãm nhân kỷ niệm 1000 năm Đức Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến thành Đại La. Cái tên "Cội xưa" ra đời từ đó.

Để triển khai ý tưởng, Hoài cùng 6 người thợ vẽ dành gần 3 tháng leo lên núi cao để phác thảo hình ảnh Cố đô Hoa Lư, các chi tiết ở đền Vua Đinh và đền Vua Lê... rồi về vẽ trên máy tính. Hoài còn sưu tầm, nghiên cứu và tham vấn các nhà sử học cả năm trời để chắt lọc những nét tinh hoa nhất phản ánh trong bức tranh. Trong "Cội xưa", Hoài không dùng lối tả thực mà dựa vào tranh dân gian, những khắc họa đá cổ để gợi về một thời hào hùng của dân tộc.

Nghệ nhân "chân đất" thả hồn

Gầy rộc đi vì lo toan, nhiều lần chạy đôn đáo từ Nam ra Bắc bằng xe khách để tìm kiếm đối tác, cô trở về góc xưởng thêu, mệt mỏi, kiệt sức. Song khó khăn dần vơi đi bởi "thật may vì có nhiều nghệ nhân luôn hết lòng với nghề, với quê hương đã ủng hộ nhiệt tình cho ý tưởng". Hoài nói: "Tôi thực hiện bức tranh thêu này không phải để tìm kiếm kỷ lục mà chỉ muốn thể hiện tấm lòng của người con Ninh Bình với Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Tôi cũng muốn giới thiệu với đồng bào cả nước nét tài hoa của người nông dân, vẻ đẹp của những thắng cảnh, di tích quê tôi".

Gần một trăm tay kim giỏi của làng Văn Lâm miệt mài bên khung thêu tay từ tháng 3-2009 đến nay để đưa những ý tưởng ấy lên tấm vải rộng 170,2m2. Nhiều người đã bỏ việc chở đò cho khách du lịch vào Tam Cốc, Bích Động, nguồn thu chính của gia đình để chuyên tâm thả hồn vào từng đường kim, mũi chỉ, cùng Hoài thực hiện "Cội xưa". Từng giờ, từng ngày, những nét vẽ được phủ kín, chi tiết, họa tiết hiện ra rực rỡ, hoàn hảo, tinh tế.

Bức tranh đã hoàn thiện với những hình ảnh "núi trong sông, sông trong núi" đặc trưng của vùng Cố đô và cả "Chiếu dời đô" của Đức vua Lý Thái Tổ. Vài ngày nữa "Cội xưa" sẽ được trưng bày tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô để khán giả Thủ đô chiêm ngưỡng.

Với Phạm Thị Hoài, đó mới chỉ là sự bắt đầu. Cô hy vọng sẽ là cầu nối tập hợp những người thêu lành nghề để làm nên thương hiệu thêu Văn Lâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cội xưa”- Nơi nghệ nhân thả hồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.