(HNM) - Trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc, bài học kinh nghiệm quý được đúc kết là chúng ta luôn phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng, triết lý, kinh nghiệm quý báu đó đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Qua đó, tạo nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật dựng nước đi đôi với giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước hơn 35 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xuyên suốt, Đảng ta luôn khẳng định tư tưởng chủ đạo là khơi dậy và phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và con người lên trên hết, trước hết để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nhờ vậy, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao. Đây là tiền đề rất quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Thành quả đáng tự hào mà đất nước có được hôm nay là kết tinh từ cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Có được sức mạnh vô song ấy là chúng ta luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước; trong đó, đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhấn mạnh tinh thần này, trong phát biểu tại Hội thảo khoa học “Lý luận - Thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, tổ chức ngày 20-7-2022 tại thành phố Hải Phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, tinh thần, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước”.
Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là kết tinh sức sáng tạo của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những đột phá chiến lược là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên tinh thần đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Do đó, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho phát triển đất nước; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, tiếp tục thực hiện hiệu quả tiến trình đổi mới đất nước, tất cả vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là nhiệm vụ rất đỗi tự hào và thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam. Sức mạnh to lớn nhất là ở nhân dân. Vì thế, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và hội nhập quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiệm vụ rất quan trọng là phải luôn tập hợp được nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chung tay, chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.