(HNMĐT) - Theo truyền thuyết ghi lại, câu chuyện bắt đầu từ thiên tình sử của Kham Panh. Xưa kia, xứ Mường Khoòng của người thái xa xưa do Tù trưởng Kham Panh đứng đầu là một vùng đất giàu có và màu mỡ. Con gái ở đây đẹp như trăng rằm còn con trai thì mạnh như hổ. Làng bản sống như trong những ngày hội, như trong xứ sở thần tiên.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi con gái tù trưởng Kham Panh là nàng Mứn, đem lòng yêu chàng thợ bạc con vị tộc trưởng Khun Ha ở phía Bắc. Chàng trai trẻ tuổi, đẹp trai lại ăn khôn nói khéo, nhưng như thế cũng chưa có gì là đặc biệt với người Mường Khoòng. Duy có một thứ mà chàng có thể làm người dân Mường Khoòng ngạc nhiên đó là tay nghề làm đồ bạc. Chàng là một tay thợ bạc giỏi giang. Chàng đem những chiếc vòng cổ, vòng tay, khuyên tai ra để lấy lòng những cô gái đẹp của Mường Khoòng. Chàng đã chiếm được hòan toàn tình cảm và sự tin tưởng của người dân Mường Khoòng.
Bi kịch chính là bởi không ai ngờ rằng, việc chàng trai đến đây làm thợ bạc chỉ là một cái cớ để do thám đất Mường. Ngày cưới của con gái tù trưởng với anh chàng thợ bạc cũng chính là ngày khởi đầu bộ tộc Khun Ha ém đường đưa quân đến thôn tính Mường Khoòng. Thiên tình sử đã biến thành khúc ca bi tráng bởi sự thất thủ của Mường Khoòng. Chiếc vòng bạc trong trường ca Kham Panh như muốn nhắn lại cho đời sau một triết luận: "trong mọi vẻ đẹp đều ẩn chứa một mối hiểm họa khôn lường".
Cũng từ đó, chiếc vòng bạc đã trở thành đồ trang sức không thể thiếu của người dân tộc thiểu số. Vòng bạc không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới các dân tộc cũng thường dùng để làm đẹp cho mình trong các dịp lễ hội. Trong các gia đình dân tộc miền núi của Việt Nam, đồ trang sức bạc thường được giữ gìn rất cẩn thận như một món đồ gia bảo. Thường chỉ trong các dịp lễ tết hoặc ngày hội, cha mẹ mới cho con gái mình diện cả bộ trang sức.
Cách đeo vòng của phụ nữ dân tộc cũng rất khác nhau. Phụ nữ Tày thường chỉ đeo chiếc vòng bạc vừa đủ để tạo nên độ sáng lấp lánh trên nền áo chàm. Dân tộc Dao thì khác: ngoài các đồ trang sức trên ngực áo, trên nẹp áo, thắt lưng, họ còn đeo nhiều vòng cổ từ năm đến bảy chiếc tương phản mạnh với trang phục rực rỡ. Với người Dao, đeo vòng nhiều khi còn là để khoe sự giàu có. Số lượng vòng trên cổ còn như để xác định vị thế của người con gái danh giá. Ở Tây Nguyên còn có vòng tay cầu hôn. Chưa rõ thủ tục cầu hôn trao vòng như thế nào, nhưng với con gái Dao khi ra chợ được chàng trai nào sấn đến cướp vòng tay thì cũng được coi như sự ngỏ lời. Người con gái không quyết liệt đòi lại là biểu hiện sự nhận lời. và chàng trai giữ lại chiếc vòng như một vật làm tin. Duyên vợ chồng sẽ dần được khẳng định. Người Tháicó cả một trường ca bi thương về chiếc vòng nhưng phụ nữ cũng chỉ giản dị đeo trên cổ một cái vòng bạc hoặc đồng, hoặc thêm một cái vòng tay.
Theo nghiên cứu của các nhà sử học thì người Mông đeo nhiều đồ trang sức nhất. Thứ đồ được ưa thích nhất của họ là vòng cổ với nhiều kích thước to nhỏ, nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ với nhiều chất liệu khác nhau dùng thành từng bộ trong ngày cưới, ngày lễ hội. Ngày thường họ chỉ đeo vòng vía bằng bạc, hoặc đồng, hoặc dây mây. Riêng vòng vía đeo vào rồi thì sẽ không cởi bỏ, bởi vòng vía cốt để trừ tà ma, đau ốm. Người ta cũng thường đeo vòng bạc cho trẻ em để kỵ gió, giữ sức khỏe.
Ngoài các dân tộc kể trển, phụ nữ các dân tộc khác cũng đều sử dụng vòng bạc và các kim loại khác để làm đồ trang sức, ở mức độ khiêm nhường hơn nhưng nó luôn là đồ nữ trang ưa thích của người phụ nữ miền núi.
Tuyết Minh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.