(HNM) - Nhiều người lao động đã tìm kiếm việc làm trên mạng internet. Thời gian đầu, đã không ít lao động tìm được việc làm tốt, không tốn tiền môi giới. Khi xu hướng tìm việc làm qua mạng gia tăng, đã có nhiều kẻ xấu lợi dụng các giao dịch ảo này để lừa đảo tiền của người lao động.
Người lao động nên tìm đến các kênh giới thiệu việc làm chính thống để tránh bị lừa. |
Và hậu quả là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có uy tín lâu năm bị vạ lây do bị kẻ xấu núp danh thật để giao dịch "ảo". Còn người phải gánh chịu hậu quả nhất là người lao động. Họ vừa phải tìm kiếm thông tin, đến địa chỉ ghi trên mạng để nộp hồ sơ, tiền đặt cọc và chờ đợi. Rất nhiều tân cử nhân mới ra trường, đặc biệt là nữ đã bị những cú lừa ngoạn mục. Lê Thị Huyền, tốt nghiệp ĐH Thương mại cho biết, sau khi tốt nghiệp, cô lang thang khắp nơi tìm việc làm nhưng đều thất bại. Nghe bạn bè "mách nước", Huyền đã "sưu tập" ở mạng internet được 5 vị trí là nhân viên kế toán. Khấp khởi mừng thầm, cô làm 5 bộ hồ sơ, trong 2 ngày liên tục, đã nộp đủ cùng với chi phí 100.000 đồng một công ty. Huyền hồi hộp ngóng chờ ngày được gọi nhưng chỉ có một công ty gọi cô đến phỏng vấn, còn 4 địa chỉ kia thì mất hút. Khi gọi lại số điện thoại đăng trên mạng internet thì đều mất tín hiệu hoặc là một người lạ nghe máy. Tìm hiểu kỹ, Huyền mới biết cô đã bị các cá nhân mang danh nghĩa các công ty trên đăng tin tuyển dụng để thu tiền đặt cọc.
Là một trong những nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa để lừa đảo, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Việt Tiến (viết tắt là VITEC JSC) đã mất khá nhiều thời gian để "gỡ bí". Từ đầu tháng 1-2011, công ty này liên tục nhận được điện thoại, email của ứng viên hỏi về các vị trí tuyển dụng như: kế toán, hành chính - nhân sự, nhân viên bán hàng hội chợ Tết, nhân viên giao hàng thiết bị văn phòng phẩm… Thực tế, công ty không thông báo trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng. Khi điều tra lại, công ty mới biết họ đã bị lợi dụng danh nghĩa. Hầu hết các ứng viên tìm thấy thông tin tuyển dụng qua các mạng việc làm như Timviecnhanh.com, vieclam.24h.com.vn... Điều đáng nói là rất nhiều người phải đóng lệ phí 150.000 đồng/hồ sơ. Đại diện Công ty VITEC cho biết, khi mở trang Google.com tìm thông tin liên quan đến VITEC thì có hàng chục website có những tin rao tuyển mạo danh công ty trên các trang mạng 24h.com.vn, Rongbay.vn, webbuonban.com…, với các nội dung như: "tuyển nhân viên bán hàng điện thoại di động, máy văn phòng, làm hành chính hoặc ca, nghỉ ngày chủ nhật hoặc 1 ngày/tuần. Lương thử việc 4-5 triệu đồng/tháng"; "tuyển 4 nhân viên bán hàng xăng dầu tại cây xăng của công ty"; một tin khác lại rao tuyển "cần 3 nhân viên nam, nữ bán vé máy bay, nghe trực điện thoại tư vấn khách hàng, báo giá vé máy bay cho khách"… Hồ sơ nộp trực tiếp tại văn phòng công ty: số nhà 9, ngõ 10 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội, số ĐT: 0987437971... Trong khi đó, các lĩnh vực nêu trên lại không liên quan gì đến Công ty VITEC. Các ứng viên bị lừa đảo, chiếm dụng 150.000 đồng cho biết hiện số điện thoại ghi trên mạng không thể liên lạc được và họ tìm đến nơi nộp hồ sơ để đòi lại tiền thì biển hiệu văn phòng, nơi họ nộp hồ sơ đã bị gỡ xuống, cửa đóng then cài. Phía Công ty VITEC đã phải thông báo với ban quản trị website 24h.com.vn đề nghị gỡ những thông tin tuyển dụng lừa đảo lợi dụng uy tín của công ty, tránh thiệt hại cho người lao động. Hiện nay, công ty này chỉ có một văn phòng duy nhất tại P.403, tòa nhà 17T2, Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, mọi thông tin đăng tuyển của công ty chỉ có tại website www.vitec.com.vn. Điều đáng nói là các ứng viên đến ứng tuyển vào các vị trí tuyển dụng không phải đóng bất cứ một khoản lệ phí nào.
Cùng chung cảnh ngộ, các trung tâm giới thiệu việc làm, các công ty trực tiếp tuyển dụng nhân sự cho biết, nhiều người lao động tỏ ra hoài nghi khi được mời làm việc tại công ty họ. Ông Hồ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Dolab Việt Nam cho biết, sau khi đăng thông báo tuyển dụng 5 nhân viên kế toán, marketing, một số lao động điện thoại đến "phỏng vấn" lại công ty với các câu hỏi đầy nghi vấn. Mỗi ngày trả lời hàng chục cuộc điện thoại với nội dung tương tự đã làm cho hoạt động công ty bị xáo trộn.
Mới đây, Công an quận Cầu Giấy đã hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án Giám đốc Công ty CP Thương mại Xây dựng, du lịch Hưng Thịnh vì tội lừa đảo việc làm qua mạng. Giám đốc Nguyễn Tất Thành thường xuyên tuyển dụng nhân viên qua mạng internet, sau đó soạn thảo hợp đồng lao động ghi rõ người lao động phải nộp tiền đặt cọc từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng, nếu tự ý bỏ việc hoặc không đáp ứng được công việc thì không trả lại khoản tiền đặt cọc trên. Có thể kể ra công việc không ai có thể làm được như: học thuộc lòng một quyển cước xe ô tô từ Hà Nội đi các tỉnh chỉ trong một buổi sáng; giao cho bài kiểm tra kế toán đòi hỏi trình độ cao mới giải được. Với nhân viên lái xe, đưa lao động đến thử lái tại một công ty khác, tìm cách phê phán rồi kết luận, "không đạt yêu cầu"... Với hình thức này, hàng trăm lao động bị rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Với sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động hiện nay, rất nhiều vị trí việc làm bị bỏ ngỏ, trong khi nhiều ứng viên phải long đong đi tìm việc. Đây chính là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền, với những chiếc bẫy ngày càng tinh vi để chiếm đoạt tiền của người lao động. Vì vậy, người lao động trước khi nộp tiền môi giới cần phải thận trọng hơn nữa để tránh cảnh tiền mất, tật mang, bỏ lỡ các cơ hội việc làm khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.