Những bệnh truyền nhiễm do vi trùng, vi khuẩn, bệnh viêm gan B, thậm chí cả HIV nữa cũng bị lây lan qua châm cứu khi dùng kim bẩn, bông băng cũ. Đó là cảnh báo của các chuyên gia.
Trên báo Y học Anh, các nhà vi trùng học ĐH Tổng hợp Hongkong cho biết số các vụ nhiễm trùng liên quan đến châm cứu trên toàn thế giới chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm và họ kêu gọi phải có biện pháp chặt chẽ hơn nữa để quản lý việc chữa bệnh bằng châm cứu.
Ông Patrick Woo, giáo sư vi trùng học, đứng đầu nhóm nghiên cứu nói: Để ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng lây lan do châm cứu cần thực hiện nhiều biện pháp thông thường như kim châm cứu phải là loại chỉ dùng một lần, phải sát trùng da theo đúng kỹ thuật”, "Rất cần thiết phải đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với những người hành nghề”.
Châm cứu là một trong các phương pháp chữa bệnh phổ biến của Đông y, dựa trên lý thuyết châm kim vào các huyệt trên cơ thể để điều khiển dòng “khí” hoặc dòng năng lượng chuyển động trong cơ thể theo lý luận của y học cổ truyền.
Châm cứu bắt nguồn từ Trung Quốc thời xa xưa và được cả phương Đông thừa nhận trong mấy chục năm gần đây, đặc biệt khi chữa các chứng đau. Nó cũng được dùng để điều trị bệnh béo phì, táo bón, viêm khớp và nhiều bệnh thường gặp khác. Ông Woo và các đồng nghiệp cho biết châm cứu cũng có thể nguy hiểm khi dùng kim để đâm xuyên vào các huyệt ở độ sâu vài centimet dưới da. Họ cảnh báo châm cứu có thể gây ra một hội chứng mới - bệnh mycobacteriosis do châm cứu - chỉ xuất hiện vào thế kỷ 21.
"Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra do vi khuẩn dạng sợi (mycobacteria), phát triển nhanh chóng xung quanh vết châm kim do bông băng, khăn lau hoặc miếng vải chườm bị nhiễm bẩn. Khi bị nhiễm trùng, thời gian ủ bệnh khá lâu và thường dẫn tới apxe và lở loét”.
"Cho tới nay, trên thế giới người ta đã ghi nhận trên 50 trường hợp mà châm cứu mang lại các hậu quả tiêu cực. Trong đa số trường hợp, vi khuẩn nhiễm vào máu xuất phát từ hệ vi khuẩn sống trên da bệnh nhân hoặc từ môi trường vì thầy thuốc trước khi châm cứu không sát trùng một cách thích đáng.
Đa số bệnh nhân hồi phục sau khi bị nhiễm trùng, nhưng từ 5 đến 10% đã chịu hậu quả nghiêm trọng như bị thoái hóa khớp, tổn thương nhiều cơ quan (multi-organ failure), loét thịt và bại liệt. Đã có đến ít nhất 5 đợt bùng phát bệnh viêm gan B liên quan đến châm cứu.
Trong nhiều trường hợp, nguồn phát tán để gây nhiễm trùng hàng loạt là các bệnh nhân đã bị nhiễm virus viêm gan B hoặc HIV và virus lây lan sang nhiều người khác qua kim châm cứu sát trùng không kỹ.
"Mặc dù chưa có các dẫn chứng thật rõ ràng về sự liên quan giữa châm cứu và nhiễm HIV, nhưng có những bệnh nhân HIV/AIDS cho biết mình không có tiếp xúc nào khác với người có HIV, trừ việc thường chữa bệnh bằng châm cứu”.
Châm cứu là một khoa học chữa bệnh phương đông độc đáo và hiệu nghiệm, nhưng sự cẩn trọng trong vệ sinh an toàn dụng cụ chữa bệnh là không bao giờ thừa, cần phải được xem là một quy định bắt buộc của y đức và y lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.