(HNM) - Người dân phá rào, tháo lưới chống lóa để trồng cây, chăn thả trâu bò trên hành lang an toàn; đi xe máy trên đường cao tốc; xe tải đi ngược chiều, xe khách dừng đỗ đón trả khách trên cao tốc… .
Tình trạng bán hàng rong trên các tuyến đường cao tốc tồn tại nhiều năm nay, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Khánh Huy |
Vi phạm có hệ thống
Ai từng đi dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đều dễ dàng gặp cảnh các trường hợp xe khách tùy tiện dừng đỗ đón trả khách, nhiều nhất phải kể tới đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái. Thống kê của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho thấy, chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 14 điểm ở cả hai bên đường xe dừng đón bắt khách với 50-60 người/ngày, trong đó địa điểm tập trung nhiều nhất vẫn là đoạn qua huyện Bảo Thắng. Dọc tuyến, người dân vẫn vô tư đi bộ, băng ngang qua cao tốc, phá rào, trồng cây, hoa màu trong hành lang an toàn.
Cách "ứng xử" với cao tốc như… đường làng còn ở chỗ dù cơ quan quản lý đường đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tới các thôn, xã song nhiều đoạn rào vẫn bị người dân địa phương tìm đủ cách phá để chăn thả trâu bò, trồng keo, trồng sắn trong hành lang đường cao tốc. Tại Km32 đoạn qua xã Tiên Lữ (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) có những thời điểm hàng trăm mét rào bị phá dỡ chỉ còn trơ lại cọc sắt. Một số đoạn tuyến, người dân phá rào với lý do không có đường dân sinh để đi tới các phần đất canh tác. Tuy nhiên, ngay cả những khu vực có đường gom thì các hộ dân vẫn phá, bởi đi lối đó tiện hơn. Qua kiểm đếm, trên tuyến hiện có hơn 100 điểm rào bị phá. Dù cơ quan quản lý đường cao tốc đã nhiều lần sửa chữa, lập lại hàng rào nhưng chỉ ít hôm sau lại đâu vào đấy. Đó là những nguyên nhân khiến cho từ tháng 4-2015 đến nay, tuyến cao tốc này xảy ra tới 38 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 45 người bị thương.
Tình trạng mất ATGT trên tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất là Hà Nội - Hải Phòng cũng đang ở mức báo động. Trên tuyến, dù hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông được bố trí đầy đủ nhưng không ít người tham gia giao thông vẫn không tuân thủ nghiêm túc. Điển hình là hai vụ tai nạn chết người xảy ra vào ngày 29-2, ngày 16-3 đều có nguyên nhân là xe đi ngược chiều và dừng đỗ không đúng nơi quy định.
Ông Trịnh Quang Mộng, Đội trưởng Đội vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: "Từ khi đưa tuyến đường vào khai thác, trung bình mỗi tháng phải nhắc nhở khoảng 600 trường hợp dừng đỗ sai quy định. Cùng với đó là tình trạng xe khách dừng đỗ đón trả khách. Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản gửi tới các doanh nghiệp vận tải hành khách đề nghị nhắc lái xe, nhưng vi phạm vẫn phức tạp"…
Cần siết chặt trách nhiệm
Nhằm hạn chế tình trạng xe dừng đỗ đón trả khách sai quy định trên 2 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai, VEC đã triển khai nhiều biện pháp, như tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện các phương tiện dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường cao tốc, phối hợp với lực lượng CSGT xử lý; thống kê các phương tiện vi phạm kèm theo thông tin về biển kiểm soát, hình ảnh, chữ ký xác nhận của lái xe, hoặc chủ phương tiện thông báo đến các sở GT-VT các tỉnh đăng ký xe, các hãng xe thông báo hành vi vi phạm. Đối với những phương tiện được thông báo sau khi vi phạm 1-2 lần mà vẫn cố tình tái phạm, VEC sẽ kiên quyết từ chối phục vụ. Việc từ chối đối với các xe trên chỉ hết hiệu lực khi chủ phương tiện đến làm việc với đơn vị vận hành khai thác cam kết không tái diễn việc dừng, đỗ đón trả khách trái phép trên các tuyến cao tốc. Tuy nhiên, với các hành vi phá rào, lấn chiếm hành lang an toàn trên các cao tốc, việc xử lý rất nan giải.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC cho rằng, để ngăn tình trạng phá rào, đón trả khách trên cao tốc, cần có quy hoạch giữa đường địa phương và tạo bến trung chuyển thuận tiện cho người tham gia giao thông. VEC cũng đề nghị các địa phương cương quyết xử lý các hộ xây nhà tự phát trên đất nông nghiệp ven đường cao tốc. Nếu không, để lâu sẽ thành "phố đường cao tốc" rồi phát sinh đòi hỏi hạ tầng đường dân sinh, gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATGT.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng: "Chúng ta cũng cần xác định trách nhiệm của lực lượng tuần tra, kiểm soát. Để xảy ra tình trạng xe đón trả khách trên đường cao tốc, cần xử lý trách nhiệm của người trực tiếp phụ trách ca tuần tra kiểm soát đó. Đừng đòi hỏi thêm bất kỳ chế tài quy định nào nữa, mà hãy thực hiện đủ các chế tài hiện có, giao nhiệm vụ cho công an xã, phường, để xảy ra phá rào, lãnh đạo công an, lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm với cấp trên. Vấn đề quan trọng nhất là giám sát người điều khiển phương tiện tuân thủ đúng quy định tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Nếu làm được việc này, tôi tin là trên đoạn tuyến này giao thông sẽ được bảo đảm an toàn".
Ngoài ra, các đơn vị quản lý và đầu tư, các chủ đầu tư, hoặc các đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cũng khẩn trương hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ để kết nối giữa các dịch vụ vận tải hành khách công cộng với người dân. Người dân có thể đi từ các tuyến khác tiếp cận đến trạm dừng nghỉ và từ trạm dừng nghỉ có thể lên xe đúng quy định, sử dụng dịch vụ an toàn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.