Chuyện: Cách đây ít ngày, Đoàn thanh tra liên ngành Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm tại Công ty CP Nam Hà Việt (TP Hồ Chí Minh).
Theo đó, hầu hết phần mềm cài đặt trong 50 máy tính sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty không có bản quyền. Các phần mềm Microsoft Window XP Profesional 2002 và Microsoft Office 2003 bị xâm phạm nhiều nhất, ngoài ra còn nhiều "nạn nhân" như Lạc Việt MTD 2002, Adobe Photoshop CS...
"Vi phạm bản quyền" chỉ là một cách nói. Trên thực tế, bản chất hành động này là ăn cắp - ăn cắp tài sản trí tuệ của chủ sở hữu đã được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Hành vi ăn cắp này phổ biến, kéo dài nhiều năm nay. Theo khảo sát, hiện mới chỉ có đối tượng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liên doanh và những công ty lớn trong nước là thực hiện tương đối tốt. Thống kê của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp quốc tế cho thấy, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam ở mức cao, trên 80%. Riêng năm 2009, 100% đơn vị "bị" kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh và nhiều "ông lớn" trên địa bàn Hà Nội đều vi phạm. Thiệt hại ước tính lên đến 200 triệu USD.
Câu hỏi đặt ra: Vi phạm bản quyền phần mềm, hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ người khác, trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam và số lượng đông đảo doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị vi phạm bị xử lý, còn cơ bản là lực lượng chức năng áp dụng chế tài... nhắc nhở, tuyên truyền. Trong trường hợp của công ty Nam Hà Việt, lực lượng chức năng đã... yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, dỡ bỏ toàn bộ phần mềm không có bản quyền trong 5 ngày và làm việc với các chủ sở hữu để mua bán... cho đàng hoàng.
Nếu cứ "bắt cóc" kiểu như thế này, thì chỉ... "đầy đĩa" và bắt xong, "cóc" lại "nhảy ra ngoài".
Bao giờ Việt Nam giải quyết được tận gốc vấn đề này - đồng nghĩa với việc bao giờ ta... "chịu" áp dụng các chế tài nghiêm khắc nhất để xử lý? Cần phải nhắc lại là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp phần mềm nội địa nản chí trong phát triển cũng như Việt Nam thường xuyên xếp thứ hạng cao trong... "bảng liệt kê dè chừng" của các ông lớn như Microsoft chẳng hạn, chính là nạn ăn cắp rầm rộ này. Đấy là chưa kể nó đang đi ngược với những cam kết về bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập WTO.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.