Cờ tướng là bộ môn thể thao trí tuệ hấp dẫn, mang đến cho người chơi và người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Vui xuân cùng cờ tướng đã trở thành nét văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người Hà Nội.
Không chỉ là thú vui tao nhã đầu xuân, những bàn cờ tướng còn thắp lên niềm đam mê với môn thể thao truyền thống, từ đó tuyển chọn ra nhiều vận động viên chất lượng cho cờ tướng của Hà Nội cũng như quốc gia, hướng đến những mục tiêu lớn ở đấu trường quốc tế.
Thú vui của người Thủ đô
Dịp đầu xuân, cờ tướng là một trong những trò chơi yêu thích thu hút người chơi, người xem trong các lễ hội. Từ thế kỷ XI-XII, cờ tướng đã là trò chơi phổ biến ở Kinh thành Thăng Long. Cho đến tận bây giờ, trò chơi vừa có tiếng đỉnh cao trí tuệ lại vừa dân dã ấy vẫn là thú vui tao nhã của người dân Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Cờ Hồ Gươm (Hà Nội) cho hay, từ thời nhà Đinh, Lý, cờ tướng đã nằm trong “Bách hý” (100 thú vui) của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam còn có nhiều cách chơi cờ tướng khác nhau như: Sử dụng người để minh họa cho các quân cờ, còn gọi là “cờ người” hoặc chơi cờ tướng trên những cánh đồng, sân đình, còn gọi là “cờ Bỏi”… Vì vậy, chơi cờ tướng không bao giờ thiếu trong nhiều lễ hội trên khắp cả nước.
Với người Hà Nội, cờ tướng từ lâu đã trở thành một "đặc sản" trong đời sống tinh thần mỗi người dân. Ở đất Hà thành, người ta có thể bắt gặp những bàn cờ tướng ở nhiều nơi, từ vỉa hè, vườn hoa, công viên đến các khu tập thể... Người mê cờ khu vực phố cổ thường hay chơi cờ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch.
Không chỉ những người cao tuổi trầm ngâm bên bàn cờ, mà giới trẻ cũng hâm mộ bộ môn này. Đó là một cách tự nhiên để tình yêu cờ tướng được lan tỏa và bám rễ lâu bền trong cuộc sống của người Hà Nội. Cũng từ đây, nhiều câu lạc bộ cờ thuộc các quận, huyện, thị xã được thành lập, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân. Trong số này có Câu lạc bộ Cờ Hồ Gươm.
Nhằm lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của môn thể thao trí tuệ này, từ năm 2017, Câu lạc bộ Cờ Hồ Gươm được UBND quận Hoàn Kiếm thành lập, sinh hoạt thường xuyên tại Trung tâm Thông tin văn hóa (số 2 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Địa điểm sinh hoạt này cũng trở thành nơi giao lưu văn hóa, thể thao thường xuyên của các kỳ thủ, kiện tướng, khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phong trào cờ tướng tại Hà Nội và Việt Nam, đồng thời đóng góp vào sự phát triển du lịch của quận Hoàn Kiếm. Hàng nghìn lượt du khách quốc tế cũng đã tới sinh hoạt, thi đấu giao lưu cờ tướng, cờ vua… Từ sân chơi này, giới chuyên môn không chỉ chọn ra được những kỳ thủ giỏi, mà còn tìm ra được nhiều tài năng trẻ cho đội tuyển cờ tướng Hà Nội và Việt Nam.
“Nhằm lan tỏa tình yêu với môn cờ tướng, thời gian tới, Câu lạc bộ Cờ Hồ Gươm sẽ phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức các “bàn cờ đêm” tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, có màn hình tường thuật trực tiếp, giúp người dân và du khách có cơ hội theo dõi các kỳ thủ, các kiện tướng cờ tướng trong nước và quốc tế thi đấu”, ông Lưu Đức Hải thông tin.
Hướng đến đấu trường quốc tế
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh đánh giá, cờ tướng Việt Nam đang sở hữu lứa vận động viên tài năng, đủ khả năng tranh chấp huy chương tại đấu trường SEA Games hay ASIAD như: Lại Lý Huynh, Nguyễn Thành Bảo, Nguyễn Quang Nhật, Chu Tuấn Hải, Lê Thị Kim Loan… Tuy nhiên, để cờ tướng phát triển bền vững, cần đầu tư cho lứa vận động viên trẻ kế cận.
PGS.TS Lưu Đức Hải thông tin, nhằm tìm kiếm những tài năng cờ tướng trẻ, tháng 8-2024, Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Giải Thần đồng Cờ tướng Việt Nam bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Tại giải, kỳ thủ Chu Đức Huy (11 tuổi) đã vượt qua hơn 3.000 thí sinh trên khắp cả nước để giành chức vô địch. Ban tổ chức sẽ đầu tư, tập huấn cho “thần đồng” này để có thể tham dự các giải đấu cấp độ cao hơn như Hội khỏe Phù Đổng, xa hơn là bổ sung vào đội tuyển cờ tướng Việt Nam trong tương lai. Thành công của giải đấu giúp Liên đoàn tự tin tiếp tục tổ chức thêm nhiều sân chơi cho lứa tuổi trẻ.
Phụ trách bộ môn cờ - Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Minh Thắng cho rằng, để môn cờ tướng Việt Nam phát triển bền vững, có được những kỳ thủ đủ sức đảm đương nhiệm vụ giành huy chương tại các đấu trường quốc tế, phải chú trọng đầu tư bài bản từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên ở các tỉnh, thành phố.
Bộ môn cờ tướng của Cục Thể dục thể thao sẽ chú trọng chung tay với các địa phương để thúc đẩy phong trào tập luyện môn cờ tướng thông qua việc hỗ trợ tổ chức, tuyên truyền các giải cờ tướng truyền thống ở các hội làng... Cũng từ đây, phong trào cờ tướng ở địa phương sẽ được gìn giữ, phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em. “Phong trào có mạnh, đội tuyển quốc gia mới mạnh, từ đó mới mong giữ vững thành tích cho cờ tướng Việt Nam tại đấu trường quốc tế”, ông Nguyễn Minh Thắng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.