(HNM) - "Ở Việt Nam chưa có tiền lệ dành riêng một quy định hay những điều luật với sự ưu đãi đặc biệt cho một tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng nếu chúng ta không tạo ra tiền lệ, không có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì không thể vượt qua khuôn khổ của một tổ chức KH&CN bình thường".
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại hội thảo lấy ý kiến "Dự thảo Nghị quyết về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu KH&CN đặc biệt" (gọi tắt là Viện) mới đây tại Hà Nội.
Đầu tư trọng điểm
Mặc dù trong thực tế đã có một số Viện có những kết quả nghiên cứu thành công đáng ghi nhận ở một số lĩnh vực. Nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có các Viện ứng dụng đủ mạnh về quy mô, tính liên ngành, đội ngũ nhân lực, trình độ cao và hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Hiện nay, đa số các tổ chức KH&CN công lập còn chưa thoát khỏi cơ chế được bao cấp nên ngại chuyển đổi, còn số cơ sở đã chuyển đổi lại gặp nhiều trở ngại trong hoạt động tự chủ. Thực tế còn cho thấy các Viện nghiên cứu khoa học công lập, bao gồm cả Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam dù đã được đầu tư một nguồn lực lớn để triển khai hoạt động nghiên cứu, nhưng hầu hết đều tập trung cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng nếu có cũng chưa gắn được vào cơ chế thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc đầu tư để nâng cấp, cải tổ các Viện đang hoạt động theo lối mòn thành một Viện nghiên cứu mới đa ngành, theo mô hình trung tâm xuất sắc, với tư duy mới, nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế, hạ tầng trang thiết bị hiện đại và cơ chế hoạt động đặc thù cũng đang là một giải pháp đầu tư rủi ro và kém hiệu quả. Trong bối cảnh đó, giải pháp tối ưu được đưa ra là nên đầu tư có trọng điểm, thành lập mới một số cơ sở nghiên cứu đặc biệt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, từ thực tiễn hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới có thể nhận thấy, bên cạnh nhiều yếu tố, điều kiện quan trọng nhất, bảo đảm cho một Viện nghiên cứu xuất sắc hoạt động hiệu quả chính là yếu tố được mạnh dạn giao nguồn lực quốc gia và quyền tự chủ tối đa trong việc sử dụng nguồn lực đó, đặc biệt là trong thời gian đầu khi Viện mới hình thành.
Cùng với sự chuyển biến nhận thức về vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, xã hội thì môi trường pháp lý về KH&CN cũng cần được điều chỉnh theo hướng trao nhiều quyền tự chủ và ưu đãi lớn hơn. Cơ chế ưu đãi đối với các tổ chức KH&CN tuy đã được quy định trong một số văn bản pháp luật, nhưng thực tế các cơ quan thi hành pháp luật lại thường ưu tiên áp dụng quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành khi không có sự thống nhất với văn bản pháp luật quy định của KH&CN. Điều này đã gây nhiều vướng mắc, cản trở trong việc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, nhất là trong vấn đề về quản lý tài chính và nhân sự.
Cơ chế ưu đãi
Cách đây chục năm, chúng ta đã có bài học xương máu khi coi các phòng thí nghiệm trọng điểm là "quả đấm thép" của ngành KH&CN và đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để thành lập 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Nhưng, sau 10 năm đã có một số phòng thí nghiệm trọng điểm không thành công, thậm chí không có hiệu quả như các Viện, các trung tâm nghiên cứu bình thường, nhiều trang thiết bị không sử dụng được, gây lãng phí. Ngoài ra còn có một thực trạng là các tổ chức nghiên cứu được đầu tư nhiều nhưng đội ngũ quản lý vẫn theo tư duy cũ nên chưa tạo được nhóm nghiên cứu mạnh, chưa thể bứt phá vượt qua khuôn khổ của một tổ chức KH&CN bình thường.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nếu Dự thảo Nghị quyết mới được Quốc hội xem xét thông qua thì ngành KH&CN sẽ có mô hình Viện nghiên cứu theo chế độ đặc biệt. Đây sẽ là Viện đầu tiên không có cơ quan chủ quản, Bộ KH&CN chỉ chịu trách nhiệm ban đầu. Viện sẽ không nghiên cứu những thứ "trên trời", mà nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Nhà nước, các tập đoàn… "Kinh nghiệm Viện Kist của Hàn Quốc cho thấy phải mất 30 năm họ mới vươn lên và trở thành top ten của thế giới. Hy vọng V-kist của Việt Nam 30 năm sau sẽ trở thành top ten của khu vực", Bộ trưởng Nguyễn Quân mong muốn.
Bàn về vấn đề này, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Trần Thị Huyền Nga cho rằng, cần có một nghị quyết mới để hình thành được tổ chức KH&CN lớn, thực hiện được mục tiêu chiến lược đề ra, tạo được bước đột phá về KH&CN đúng với tinh thần Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. "Đây là một cơ chế đặc biệt cho mô hình đặc biệt. Những điểm đặc biệt trong nghị quyết cần được xem xét và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành", bà Trần Thị Huyền Nga nhấn mạnh.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp trong hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, nếu dự thảo được thông qua, đây sẽ là văn bản pháp luật không chỉ dành riêng cho một đơn vị sự nghiệp, một đối tượng cụ thể mà là hệ thống cơ chế chính sách dành cho một loại hình tổ chức KH&CN đặc biệt. "Đây là nơi để các nhà khoa học khẳng định chính mình và tập trung nghiên cứu mà không lo đến cơ chế chính sách, bên cạnh đó họ còn nhận được chế độ đãi ngộ tốt về lương, điều kiện làm việc", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.