(HNMO) - Đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 3,3 tỷ hóa đơn điện tử trên hệ thống. Hiện ngành Thuế đang tích cực triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30-3, thông tin về kết quả thực hiện hóa đơn điện tử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, sau khi triển khai vào cuối năm 2021, đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 3,3 tỷ hóa đơn điện tử trên hệ thống. Chương trình hóa đơn điện tử đã được triển khai nhanh chóng, thành công nhờ sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Một trong những ưu điểm của hóa đơn điện tử là lưu vết giao dịch của doanh nghiệp trên hệ thống, phục vụ cho cơ quan thuế đánh giá rủi ro…
Hiện nay, ngành Thuế đang tích cực triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, áp dụng chủ yếu cho hệ thống bán lẻ, hệ thống siêu thị lớn… Ngành phấn đấu từ nay đến cuối năm tại 4 địa phương là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, 100% hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuộc diện sẽ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, song song với đó các doanh nghiệp nằm trong hệ thống chuỗi của doanh nghiệp bán lẻ ở 63 tỉnh, thành phố cũng sẽ thực hiện.
Trước việc phóng viên nêu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm khó khăn trong việc hoàn thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, cơ quan thuế được giao hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, việc hoàn thuế xuất khẩu của các doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng vi phạm sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp để hợp thức hóa. Đơn cử vào năm 2021 tại Phú Thọ đã có vụ việc liên quan đến doanh nghiệp thu gom dăm gỗ. Chính vì thế, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, việc hoàn thuế xuất khẩu cần có biện pháp tăng cường.
Pháp luật đã quy định rõ về việc hoàn trước, kiểm tra sau. Nếu có rủi ro thì kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Riêng lĩnh vực dăm gỗ, đã có nhiều vụ việc được phát hiện và chuyển cơ quan an ninh để hỗ trợ điều tra xác minh. Trong quá trình xác minh, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Để tăng cường công tác hoàn thuế, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn. “Để giải quyết hoàn thuế xuất khẩu nói chung và dăm gỗ nói riêng, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và một số cơ quan của Chính phủ để đối thoại với doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trong hoạt động xuất khẩu nói chung”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
Về thuế tối thiểu toàn cầu được dư luận quan tâm, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho hay, đây là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Mức thuế là 15%. Một số đối tác lớn của Việt Nam áp dụng từ năm 2024, do đó, sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đang bám sát tình hình để có những giải pháp hiệu quả nhất.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến 31-3-2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cùng kỳ năm 2022 đạt 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hai bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%). Có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Nguyên nhân giải ngân chậm là sau khi được giao vốn, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho dự án; thường đầu năm, các bộ, ngành tập trung đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; vướng mắc về giải phóng mặt bằng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.