(HNM) - Ngày 6-1 vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kỷ niệm tròn 100 năm Ngày thành lập, với những nỗ lực không ngừng nghỉ vì công bằng xã hội và quyền lợi chính đáng của người lao động trong suốt một thế kỷ qua.
Hãy tưởng tượng một thế giới mà người lao động không có ngày nghỉ cuối tuần, làm việc nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày, không tuổi lao động tối thiểu, không có cơ chế bảo vệ phụ nữ mang thai hay những đối tượng khác dễ bị tổn thương... Đó có thể đã là môi trường làm việc của tất cả mọi người nếu không có sự ra đời của ILO. Cơ sở của việc thành lập ILO được tóm tắt trong chính Lời nói đầu Hiến chương của tổ chức này: "Một nền hòa bình phổ quát và lâu dài chỉ có thể được thiết lập dựa trên cơ sở công bằng xã hội".
Năm 1919, Hội nghị Lao động quốc tế đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ) với đại diện của các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động. Hội nghị đã thông qua 6 công ước quốc tế về các vấn đề lao động, gồm giờ làm việc, thất nghiệp, bảo vệ thai sản, chế độ làm việc ban đêm cho phụ nữ, người trẻ tuổi, độ tuổi tối thiểu.
Với sự bùng nổ của xung đột ở châu Âu vào cuối năm 1930, ILO trở thành một trong số ít các tổ chức quốc tế hoạt động không bị gián đoạn trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tháng 5-1944, khi chiến tranh sắp kết thúc, ILO đã thông qua Tuyên bố Philadelphia, tái khẳng định tầm nhìn và xác định một bộ nguyên tắc đặt quyền con người vào trung tâm, “đáp ứng khát vọng dâng trào” về một thế giới tốt đẹp hơn.
Chiến tranh thế thứ II kết thúc đã mở đường cho một giai đoạn mới của ILO. Năm 1945, ILO trở thành cơ quan chuyên môn đầu tiên của một tổ chức Liên hợp quốc mới được thành lập, với số lượng thành viên ngày càng tăng. Năm 1969, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, ILO đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Cuối thế kỷ XX, vai trò của ILO tiếp tục được cải thiện đáng kể nhằm đáp ứng những thay đổi của thị trường lao động và sự tiến bộ của quá trình toàn cầu hóa. Phạm vi hoạt động của ILO mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác, trong đó có quyền của người bản địa, HIV/AIDS tại nơi làm việc, lao động di cư và giúp việc gia đình.
Bên cạnh việc thúc đẩy một quá trình toàn cầu hóa công bằng, ILO còn đấu tranh cho khái niệm việc làm bền vững trong tổng thể chiến lược phát triển quốc tế, trở thành một trong những nội dung cơ bản của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định, từ một giấc mơ hoang đường một thế kỷ trước, tổ chức này đã trở thành cơ chế hiệu quả và quan trọng nhằm bảo vệ công bằng xã hội, nâng cao tiêu chuẩn lao động và đấu tranh cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động tại hơn 180 nước thành viên.
Đây cũng là cột mốc ghi nhận những thành quả và khẳng định vai trò của cơ quan 100 năm tuổi đầu tiên của Liên hợp quốc, đang bước vào thế kỷ hoạt động thứ hai trong bối cảnh biến động không ngừng của tình hình thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.