Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phiếu siêu rẻ trước nguy cơ mua bán sáp nhập

Theo VnE| 30/06/2011 13:42

Gần 300 cổ phiếu niêm yết giao dịch dưới mệnh giá, trong đó khoảng 10 cổ phiếu dưới 4.000 đồng, kích thích nhu cầu thâu tóm doanh nghiệp trên thị trường.


Chốt phiên sáng 29/6, cả 2 sàn có gần 300 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá. Thấp nhất hiện nay là cổ phiếu VKP (Công ty cổ phần nhựa Tân Hóa), giảm kịch sàn xuống 2.200 đồng. Sở giao dịch chứng khoán TP HCM trước đó đã ra thông báo "chưa từng có" - cổ phiếu dưới 2.000 đồng sẽ áp dụng giá trần, sàn riêng.

Giới chuyên gia nhận định, hoạt động mua bán sáp nhập tồn tại trong mọi thời điểm, khi tìm thấy "mục tiêu" béo bở, thì dù thị trường thăng hay trầm, giá cổ phiếu cao hay thấp, M&A (mua bán sáp nhập) vẫn diễn ra.

Trên lý thuyết, với thị trường ảm đạm hiện nay, ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán độc lập cho rằng, mua bán sáp nhập thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu dễ thực hiện hơn. Bởi nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán ra, chứ không tập trung ôm vào như giai đoạn thị trường sôi động. Mặt khác, khi chứng khoán khởi sắc, M&A mất nhiều chi phí, còn thời điểm kém sôi động như hiện nay, chi phí này rẻ hơn.

Những doanh nghiệp có cổ phiếu "siêu rẻ" chưa hẳn sẽ bị mua bán sáp nhập, thôn tính. Ảnh: B.H.


Đánh giá M&A thời điểm này dễ dàng hơn, song ông Luân cho rằng ít khả năng những doanh nghiệp có cổ phiếu siêu rẻ 2.000-4.000 đồng bị mua bán sáp nhập. Bởi nếu có ý định thâu tóm, doanh nghiệp phải xác định rõ bản thân có lợi gì trong thương vụ này, đồng thời đánh giá thực chất hoạt động của công ty mục tiêu, chứ không chỉ đơn thuần căn cứ vài số liệu trên các báo cáo hay giá cổ phiếu đang ở mức thấp.

"Những cổ phiếu dưới mệnh giá nhan nhản trên cả 2 sàn. Nhiều doanh nghiệp trong nhóm này làm ăn thua lỗ, nằm trong diện kiểm soát nên giá giảm là điều đương nhiên và có thể thua lỗ tiếp trong quý II", vị chuyên gia cho biết.

Song, căn cứ trên lượng giao dịch của những mã tầm 2.000-5.000 đồng, hầu như không có đột biến gì để cho thấy có động thái thu gom cổ phiếu tăng tỷ lệ sở hữu, trở thành cổ đông lớn ở những doanh nghiệp này. Theo ông, để đi tới quyết định mua bán sáp nhập qua sàn phải hội đủ nhiều yếu tố và giá cổ phiếu (dù ở mức thấp tới đâu) cũng chỉ là yếu tố tham khảo.

Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM Lê Thẩm Dương, cũng khẳng định: "Cổ phiếu giá thấp chưa hẳn là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp có nguy cơ bị mua bán sáp nhập". Bởi thứ tự ưu tiên để quyết định có M&A trước hết là chất lượng của doanh nghiệp, sau đó mới xét tới yếu tố giá, thời điểm và xem trong danh mục đã có cổ phiếu này hay chưa.

Theo ông Dương, có thời điểm, giá cổ phiếu dù 200.000 đồng vẫn có người mua vào để trở thành cổ đông chiến lược, nhưng lại không ngó ngàng tới cổ phiếu chỉ 2.000-3.000 đồng.

Mục đích khi M&A phải là một cộng một nhưng lớn hơn 2, song các doanh nghiệp có cổ phiếu siêu rẻ hiện nay, ngoài những mã bị ảnh hưởng bởi tình hình chung, vẫn có doanh nghiệp do làm ăn quá kém.

Trong số 12 cổ phiếu thuộc diện bị kiểm soát, cảnh báo, giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát ở HOSE hiện đều rớt dưới mệnh giá (ngoại trừ IFS), dao động chủ yếu ở mức giá 2.200-5.000 đồng. Đây là những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.

Lý giải việc mua cổ phần FBT (cổ phiếu thuộc diện kiểm soát), Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương khẳng định: FBT sở hữu khoảng 1.000 ha đất nuôi trồng. Đây là tài sản lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả.

Ông tính, hiện để có 1 ha mặt nước nuôi cá, riêng tiền mua đất, rẻ nhất cũng 500 triệu, chi phí đào và mua đất không dưới 2 tỷ đồng. Vùng thuận lợi mất 3-6 tháng, vùng đất cồn mất một năm, chưa chắc bỏ 2 tỷ đồng mà năm sau có sản xuất. Nhưng với diện tích mặt nước của FBT (trên 800 ha), khi Hùng Vương tăng cổ phần nắm giữ tại FBT, doanh nghiệp được mua với giá rẻ, chưa tới 70 tỷ đồng, tức một ha chưa đến 70 triệu đồng.

"Thời điểm này mua hoặc sáp nhập doanh nghiệp có lời hơn đầu tư mới (chi phí ban đầu lớn, nhưng chưa sản xuất ngay), nhất là những doanh nghiệp cùng ngành bởi có sự hỗ trợ lẫn nhau về sản xuất, con người, quản trị...", ông Minh cho biết.

Ông Lê Quang Hải, phụ trách M&A Công ty chứng khoán VPBank cũng khẳng định nguy cơ bị thôn tính, mua bán sáp nhập không chỉ là câu chuyện riêng của các doanh nghiệp, nhất là khi niêm yết có giá cổ phiếu "siêu rẻ". Đây là vấn đề chung cho các doanh nghiệp hiện nay.

Song, theo ông, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: hiệu quả hoạt động của công ty bị thâu tóm, tính khả thi của việc thực hiện mua thâu tóm trên sàn, quan điểm của các cổ đông chính...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phiếu siêu rẻ trước nguy cơ mua bán sáp nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.