(HNMO)- Mặc dù có vài phiên tăng điểm, nhưng tuần qua vẫn được coi là một tuần ảm đạm đối với thị trường chứng khoán. Thanh khoản liên tục nằm ở mức thấp trong khi tín hiệu khởi sắc trở lại của thị trường vẫn còn rất mờ mịt. Cá biệt, trên sàn đã ghi nhận một số mã chứng khoán tụt xuống giá thấp chưa từng có.
Thống kê trong tuần cho thấy, VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm giá. VN-Index nhích 0.98% so với tuần trước lên mức 383.35 điểm. Trong khi đó, HNX-Index vẫn chưa thể hãm đà giảm và liên tiếp thiết lập đáy mới. Qua một tuần, chỉ số chứng khoán sàn Hà Nội “bay hơi” 1.03 điểm, thiết lập đáy mới 61.15 điểm.
Ảnh minh họa
Xét về thanh khoản, mức giao dịch trung bình trong một phiên của VN-Index chỉ đạt 28 triệu đơn vị- tương đương hơn 400 tỉ đồng. Như vậy, thanh khoản sàn HOSE tiếp tục tụt tới 19% về khối lượng so với tuần trước. Sàn Hà Nội còn ảm đạm hơn khi KLGD trung bình chỉ đạt 20.82 triệu đơn vị - giảm hơn 30% so với tuần trước.
Mã VKP của CTCP nhựa Tân Hóa đã trở thành cổ phiếu bị rớt giá kỉ lục trên sàn. Chốt tuần, VKP giảm 22% về giá trị và dừng ở mức 700 đ/CP (chưa bằng một mớ rau gia vị, thấp hơn gần 15 lần so với mệnh giá). Nguyên nhân khiến VKP giảm giá thê thảm là do tình trạng thua lỗ triền miên của doanh nghiệp này. Theo đó, nợ tồn đọng của nhựa Tân Hóa rơi vào khoảng hơn 150 tỉ đồng. Và khoản lãi vay gần 2 tỉ đồng phải trả mỗi tháng đã khiến cho VKP ngày càng điêu đứng. Hoặc như cổ phiếu của Cty CP chế biến và XNK thủy sản (mã CAD) cuối tuần qua chỉ còn 1.800đ/CP, không đủ mua một mớ rau ngoài chợ.
Một vài tín hiệu tích cực của thị trường đến từ một số mã cổ phiếu blue-chips. Sau khi Sacombank tuyên bố mua 100 triệu cổ phiếu quĩ trong 1 tháng, mã STB của doanh nghiệp này đã thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Động thái này là một hành động quyết liệt của ban quản trị Sacombank nhằm “chống lưng” cho STB trong hoàn cảnh thị trường đang sụt giảm.
Tuần này, khối ngoại giành nhiều sự đầu tư vào cổ phiếu FPT với lượng mua ròng lên đến 36.7 tỉ đồng. Tính cả tuần, các nhà đầu tư nước ngoài mua vào 12 triệu đơn vị và bán ra 19.8 triệu đơn vị. STB bị xả mạnh nhất với giá trị bán ra lên tới 162 tỉ đồng.
Trong hoàn cảnh thị trường như hiện nay, khó có thể hi vọng lực cầu sẽ trở lại trong ngắn hạn. Đặc biệt là vào thời điểm Việt Nam sắp phải mở cửa cho các định chế tài chính 100% vốn nước ngoài theo như lộ trình cam kết với WTO. Khi ấy việc tái cấu trúc, tăng cường sát nhập và thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém sẽ diễn ra như một lẽ tất yếu. Do đó, không khó hiểu khi các nhà đầu tư lựa chọn giải pháp đứng ngoài thị trường và chờ diễn biến tiếp theo của nền kinh tế vĩ mô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.