(HNMO) - Dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng mạnh nhưng trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (25/4), nhà đầu tư tích cực mua vào giúp cổ phiếu đồng loạt tăng giá, trong đó rất nhiều mã tăng trần, Vn-Index tăng hơn 9 điểm, vượt khá xa mốc 460 điểm.
Thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã chính thức được công bố. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, CPI tháng 4 cả nước tăng tới 3,32%, đưa CPI 4 tháng đầu năm tăng 9,64% so với tháng 12/2010 và tăng 13,95% so với bình quân 12 tháng năm 2010. Như vậy, CPI 4 tháng đã vượt qua cả mục tiêu năm 2011.
Tuy nhiên, thông tin trên dường như không tác động đến tâm lý nhà đầu tư, mà ngược lại họ mua vào nhiều hơn khi nhận thấy cổ phiếu đã xuống mức rất thấp sau đợt điều chỉnh vừa qua.
Ngay ở đợt khớp lệnh đầu tiên của phiên, nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào, Vn-Index tăng 2,54 điểm, tương đương 0,56%, đạt 458,99 điểm. Sang đợt khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư tới tập đặt lệnh mua Vn-Index lên một mạch tới 8,48 điểm (+1,86%), vượt mức 460 điểm, đạt 464,93 điểm. Càng về cuối phiên, lực mua vào càng mạnh. Đóng cửa phiên, Vn-Index tăng 9,17 điểm, tương đương 2,01%, dừng ở mức 465,62 điểm. Như vậy, đây là phiên hiếm thấy Vn-Index có biên độ dao động rộng như vậy.
Cổ phiếu đồng loạt tăng giá. Ảnh chụp bảng giao dịch ngày 25/4 |
Lực cầu lấn át cung giúp cổ phiếu đồng loạt tăng giá. Trên bảng giao dịch điện tử, màu xanh gần như bao phủ với 216 mã tăng giá, 30 mã giảm giá và 43 mã giữ giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu chủ đua nhau đi lên: BVH, DIG, DPM, DXG, EIB, GMD, HAG, HPG, KBC, KDC, OGC, PPC, PVD, SAM, SJS, STB, VNM tăng 100-3.500 đồng/cổ phiếu. Đó là chưa kể FPT, ITA, PVF, REE, SSI, VCB tăng hết biên độ cho phép. Ngoài các mã trên tăng trần, phiên này còn chứng kiến hơn 50 mã khác tăng hết biên độ. Trong nhóm blue-chips, chỉ có 2 mã xuống giá là VIC và VPL, giảm lần lượt 2.000 đồng/cổ phiếu và 1.500 đồng/cổ phiếu.
Cùng với chỉ số chung đi lên, tính thanh khoản của thị trường được cải thiện, và giá trị giao dịch đã đạt trên 500 tỷ đồng, khác với 4 phiên vừa qua là ở dưới mức trên. Tính cả giao dịch thoả thuận, toàn thị trường có 26,290 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị đạt 562,077 tỷ đồng.
Như vậy, sau một thời gian đi ngang, thị trường trong nước đã có sự biến động mạnh trong phiên này. Tuy nhiên, đây có phải là sự mở đầu cho xu hướng đi lên của thị trường hay không thì còn phải chờ đợt ở những phiên tiếp theo.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa-Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường chứng khoán trong nước dự kiến bắt đầu tăng từ quý 3 năm nay bởi thời điểm đó, lãi suất cho đầu giảm, lạm phát giảm và có sự quay trở thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.
Tại thị trường Hà Nội, HNX-Index tăng 1,35 điểm, tương đươn 1,61%, lên mức 85,27 điểm. Số cổ phiếu chuyển nhượng đạt cao hơn sàn Tp.HCM nhưng giá trịt thấp hơn. Tổng cộng có 34,458 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 454,956 tỷ đồng.
Cùng chiều với hai sàn chính thức, đóng cửa phiên buổi sáng UPCoM-Index dừng ở mức 36 điểm, tăng 0,48 điểm (+1,35%). Tuy nhiên, giao dịch èo uột với chỉ 63.275 cổ phiếu được sang tay, giá trị đạt 625,932 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.