Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phần hóa doanh nghiệp: Ì ạch sẽ ảnh hưởng “sức khỏe” nền kinh tế

Hà Phong| 24/03/2016 14:32

(HNMO) - Sáng 24-3, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020.


Tại đoàn Hà Nội, các đại biểu đánh giá, cái được lớn nhất trong 5 năm qua là duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Song theo ĐB Bùi Thị An, dù Việt Nam đã nỗ lực cải cách thể chế, nhưng hiện nay có 2 khâu yếu là cải cách nền hành chính chưa hiệu quả, tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh. Trong khi đó tinh giản bộ máy là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển kinh tế-xã hội. Bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công. ĐB Bùi Thị An cũng cho rằng, quản lý thị trường yếu kém, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, người dân khóc vì trồng hành tím, khoai lang nhưng không bán được.

“Tôi đề nghị những bất cập trên không nên chỉ dừng ở việc rút kinh nghiệm. Chính phủ cần đánh giá lại, chỉ rõ bộ nào phải chịu trách nhiệm, cần thiết thì quy thẳng vào luật”- ĐB Bùi Thị An nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, thời gian qua cơ cấu thu chi ngân sách và nợ công còn có nhiều điểm bất hợp lý. Bội chi ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước, nợ công tăng nhanh và đang tiệm cận mức trần cho phép. Ngân sách nhà nước còn nợ nhiều khoản chi. Với bất ổn này, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa thực sự bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp là thước đo sức khỏe nền kinh tế, hiện nay công tác sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp rất hạn chế. Xét về số lượng, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng số lượng, tỷ trọng bán ra rất ít. Nhiều tổng công ty lớn chỉ cổ phần hóa còn mang tính chất đối phó. Nguy cơ khác trong chuyển đổi là quyền tự chủ trong bộ máy quản lý cao hơn, nhưng vẫn chưa đảm bảo rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trịnh Thế Khiết bày tỏ lo lắng trước hiện tượng gạo chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng chưa có thương hiệu lớn, cà phê hạt điều xuất khẩu thô là chính. Số doanh nghiệp hàng năm phá sản lớn. “Tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại xem hệ thống doanh nghiệp đã cổ phần hóa đến đâu và cổ phần hóa triệt để. Nếu cứ để hiện tượng nhà nước quản lý và thua lỗ triền miên thì vốn ngày càng mất đi".

Tại đoàn Bình Thuận, ĐB Hà Minh Huệ dẫn chứng nhiều yếu kém, hạn chế trong quản lý, giám sát không chỉ xảy ra trong lĩnh trật tự xã hội mà còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực khác như chống hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp. “Hiện tượng bán hàng đa cấp diễn ra công khai đã lâu, nhưng Bộ Công thương chẳng chịu xử lý. Điều đó cho thấy, khâu quản lý, thực thi, giám sát của chúng ta rất yếu dù có trong tay bộ máy tương đối đầy đủ”, ông Huệ chỉ rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa doanh nghiệp: Ì ạch sẽ ảnh hưởng “sức khỏe” nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.