(HNM) - Việc cổ phần hóa (CPH) các trường đại học (ĐH) đã được nêu ra từ 8 năm trước khi bàn về chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chủ trương này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ với nhiều lý do.
Giờ thực hành kiểm soát tiếp cận có rađa của sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam.Ảnh: Như Hùng |
Ở thời điểm hiện nay, mặc dù vẫn có nhiều ý kiến phản đối song tiến trình này đã bắt đầu và được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh hơn.
Có chạy theo lợi nhuận?
Mới đây, Bộ GT-VT đã có quyết định thực hiện CPH đối với Học viện Hàng không và Trường Trung cấp nghề GT-VT Thăng Long. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Tại khoản 2 Điều 1 quy định về đối tượng áp dụng nêu rõ: "Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thì đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết hợp tác trên cơ sở bảo toàn tài sản và mục đích cung cấp dịch vụ công. Thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất, thí điểm CPH trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn".
Trong dự thảo quyết định, cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã dự kiến sẽ tiến hành CPH 30 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty của các Bộ, trong đó có hai bệnh viện và 28 trường ĐH, cao đẳng (CĐ), viện nghiên cứu. Sau CPH, các trường ĐH, CĐ sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục ĐH. Theo các chuyên gia GD-ĐT, việc CPH các trường ĐH công lập là một chủ trương nhằm huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục.
Lý do quan trọng khiến nhiều người e ngại chủ trương CPH trường ĐH chủ yếu bởi cho rằng đó là xu hướng vì lợi nhuận, khi quá trình CPH còn kéo theo sự thay đổi mô hình tổ chức cũng như cơ chế hoạt động của nhà trường. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc cho rằng, mỗi hoạt động đều có mục đích của nó. Việc các cá nhân bỏ tiền ra mua và nắm phần lớn cổ phần sẽ khiến mục tiêu giáo dục của từng trường cũng như của hệ thống giáo dục không được bảo đảm. Mục đích đào tạo con người và mục đích lợi nhuận không thể song hành.
Nhiều người đồng tình với quan điểm này và đặc biệt e ngại khi gắn việc CPH với những trường đào tạo giáo viên, y bác sĩ… Quan trọng hơn, việc trao khu vực giáo dục ĐH công vào tay số ít người có nguy cơ làm thu hẹp cơ hội tiếp cận chương trình đào tạo ĐH của những người có thu nhập thấp do vấn đề học phí. Có hiệu trưởng lo ngại rằng: Do chưa có những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chất lượng đào tạo một cách hiệu quả nên việc CPH giáo dục ĐH công lập có thể dẫn đến tình trạng mua bán bằng cấp, giảm chất lượng đào tạo do chạy theo mục tiêu lợi nhuận. Ngoài ra, trong quá trình CPH cũng như hậu CPH, những khó khăn khác có thể lường trước là việc định giá tài sản, thương hiệu, sử dụng sai tài sản nhà nước, phát sinh mâu thuẫn nội bộ…
Cần thí điểm
Trước sự so sánh lợi - bất lợi của CPH ĐH, nhiều ý kiến cho rằng thay vì CPH, Chính phủ nên để các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ tài chính như đang thực hiện. Điều đó tránh được nhiều bất cập của quá trình CPH mà vẫn có thể nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua sự tự chủ của trường trong quyết mức thu học phí. Đồng thời, mục tiêu giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước vẫn được bảo đảm.
Nhằm quản lý lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này, kể cả khi đã CPH, Nhà nước vẫn cần có cơ chế chính sách chặt chẽ để bảo đảm chế độ chính sách cho những sinh viên nghèo hay quản lý vấn đề tuyển sinh. Ông Nguyễn Cảnh Lương (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: Việc CPH các trường ĐH, nếu thực hiện, cần phải có những khung pháp lý, quy định trách nhiệm ràng buộc rõ ràng. Nhà nước vẫn phải quản lý các hoạt động, chính sách của nhà trường nên vẫn phải giữ 51% cổ phần, phần còn lại do các cá nhân, tổ chức mua lại.
Như vậy, việc CPH sẽ không dẫn đến tình trạng giảm chất lượng đào tạo, bởi khi đó sẽ có sự cạnh tranh giữa các trường để thu hút người học. Người học sẽ lựa chọn những trường có chất lượng đào tạo tốt với chi phí hợp lý, từ đó các trường kém sẽ bị đào thải. Ngoài ra, theo Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT có vai trò quản lý như nhau đối với các loại hình trường ĐH, không bị ảnh hưởng bởi quyết định CPH một số trường ĐH công lập. Bộ GD-ĐT sẽ quản lý các trường công lập được CPH như với các trường tư thục hiện nay.
Được coi là một tiến trình giúp tạo động lực hoạt động cho các trường và giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước, song CPH trong giáo dục ĐH là một lĩnh vực mới và nhạy cảm, vì vậy quá trình này cần được thí điểm ở quy mô nhỏ và có đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi thực hiện rộng rãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.