Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có phải vi rút SARS-CoV-2 biến đổi mạnh lên?

Thu Trang| 04/08/2020 13:32

(HMNO) - Số ca mắc mới Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng từ ngày 25-7 tính đến sáng 4-8 là 205 ca, trong đó đã có 8 ca tử vong cùng nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch. Vậy, có phải vi rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn này ở nước ta đã mạnh lên?

Mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể

Đề cập vấn đề tại sao có bệnh nhân khi nhiễm Covid-19 lại nhanh chóng chuyển biến nặng, thậm chí nguy kịch và đe dọa tử vong, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, mức độ nặng hay nhẹ của người bị nhiễm Covid-19 phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể người đó với mầm bệnh và cơ địa, các bệnh lý nền đồng nhiễm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, người cao tuổi, người có các bệnh nền, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận... có nguy cơ diễn biến nặng hơn những người khác.

Qua diễn biến của dịch Covid-19 trong hơn 10 ngày qua tại khu vực miền Trung, cụ thể là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện trung ương Huế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành bệnh nhân Covid-19 nhận định, các bệnh nhân diễn biến nặng đa số đều có nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính, tuổi cao, đặc biệt là bệnh nhân có thời gian nằm điều trị ở các khoa hồi sức cấp cứu lâu ngày.

"Trong quá trình điều trị trước đây, các bệnh nhân này đã suy các cơ quan nội tạng, kèm theo hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận chu kỳ trên 10 năm, nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư, có bệnh nhân gần 100 tuổi... nay lại nhiễm thêm Covid-19, do đó làm cho cơ hội tiến triển các bệnh mạn tính tăng lên và trở thành những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng", PGS.TS Lương Ngọc Khuê phân tích.

Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, chủng vi rút SARS-CoV-2 hiện tại là chủng thứ sáu, khác hẳn với các chủng đã gặp ở nước ta trước đây. Điều đáng mừng là chủng này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. "Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền", TS Nguyễn Văn Kính nói.

Còn theo ông Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, kết quả giải trình tự gen cũng cho thấy, khu vực biến đổi gen của vi rút vẫn nằm ở trên phân vùng không quyết định độc lực của vi rút. Do đó, tốc độ lây hay mức độ nặng của bệnh không phải do vi rút biến đổi mà do đối tượng mà nó nhiễm vào. Thật không may, dịch lần này lại "tấn công" trực tiếp vào bệnh viện - nơi có nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền.

Trong số 8 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nước ta, đa phần đều là bệnh nhân có kèm bệnh lý nền suy thận. Ông Phạm Quang Thái cho rằng, thận là nơi giúp cơ thể đào thải chất độc. Việc những người bị bệnh suy thận lại mắc thêm Covid-19 làm bệnh cảnh lâm sàng biến đổi rất nhanh và đều không hồi phục. Điều này đã được ghi nhận tại Italia, Mỹ với tỷ lệ tử vong ở mức rất cao.

Người dân không chủ quan dù đã có kết quả âm tính

Trong giai đoạn dịch trước, có trường hợp xét nghiệm âm tính lần 1 nhưng sau 12-13 ngày, thậm chí sau 22 ngày xét nghiệm lại thì cho kết quả dương tính. Điều này cho thấy, người dân không được chủ quan dù đã có kết quả âm tính.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Cấp cho rằng, nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn. Vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của vi rút gọi là "thời gian ủ bệnh". Trong thời gian này, do vi rút chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có vi rút. Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau.

"Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn. Chính vì vậy, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày là vô cùng quan trọng", ông Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Cấp, hiện nay, Covid-19 đã lưu hành ở cộng đồng tại một số địa phương, rất khó nhận biết ai là người lành, ai là người đang mang mầm bệnh. Chính vì vậy, mọi người nên tránh tập trung đông, đặc biệt ở những môi trường kín sử dụng điều hòa. Khi vào những môi trường đó, phải chú ý giãn cách, khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 2m, sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn nhanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có phải vi rút SARS-CoV-2 biến đổi mạnh lên?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.