Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên ưu tiên phần cứng?

Việt Nga| 05/07/2014 07:27

(HNM) - Vụ Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang xây dựng dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2020. Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo được tổ chức mới đây, các chuyên gia, lãnh đạo DN CNTT cho rằng dự thảo vẫn chưa


Theo Bộ TT-TT, trong số 37 tỷ USD doanh thu từ công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2013, thì công nghiệp phần mềm, dịch vụ chiếm khoảng 3 tỷ USD, còn lại 34 tỷ USD thuộc về công nghiệp phần cứng. Đáng chú ý, 34 tỷ USD này chủ yếu đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Intel…

Có thể thấy, công nghiệp phần cứng chiếm tỷ lệ doanh thu chủ chốt trong ngành công nghiệp CNTT. Song, có một thực tế là tuy doanh thu từ công nghiệp phần cứng vượt trội nhưng giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 10% (phần lợi nhuận mà nước ta được hưởng). Ngược lại, doanh thu và tốc độ tăng trưởng không cao, nhưng giá trị lợi nhuận mà công nghiệp phần mềm và dịch vụ đem lại chiếm tới 80-90%. Đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia. Theo dự báo, thời gian tới, các tập đoàn đa quốc gia lớn còn tiếp tục "đổ" về Việt Nam xây dựng các nhà máy sản xuất phần cứng cung cấp cho toàn cầu và như vậy có thể giá trị doanh thu xuất khẩu sẽ còn lớn hơn nữa. Khi các tập đoàn toàn cầu này đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, bao giờ cũng cần các DN sản xuất những sản phẩm phụ trợ. Vậy, DN "nội" có cơ hội gì từ đây? Đa số ý kiến cho rằng, trong dự thảo, phần đề cập đến sự phát triển của ngành công nghiệp phần cứng còn sơ sài, chưa cụ thể. Phần đề cập đến phát triển sản phẩm vi mạch điện tử, bán dẫn hoặc thành lập các tổng công ty cấp quốc gia cần được cân nhắc, xem xét. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Bùi Mạnh Hải cho rằng, DN "nội" rất khó "chen chân" được vào thị trường sản xuất vi mạch, chip bán dẫn… vì vốn đầu tư ít nhất là 1 tỷ USD và phải cạnh tranh với những "ông lớn" như Intel, Samsung. Do vậy, Việt Nam chỉ nên chọn một số ngành trọng điểm để phát triển với mục đích phục vụ an ninh quốc phòng, thay vì đề ra mục tiêu xuất khẩu. Theo ông Hải, cả nước đang triển khai đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020, nhu cầu sử dụng bộ giải mã set-top-box của người dân, đặc biệt vùng nông thôn là rất lớn, nên các DN điện tử cần tập trung cho mảng sản xuất này. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn Viettel lại cho rằng, việc các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam cũng là cơ hội cho ngành công nghiệp phần cứng trong nước với phân tích, các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam bao giờ cũng phải "kéo" theo các DN phụ trợ và họ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta, nhận tái thiết kế những phần mà DN "nội" không làm được. Tuy nhiên, đại diện Viettel cũng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chính sách để thu hút đầu tư của xã hội, từ DN đến người dân; trong đó khuyến khích mô hình kinh doanh PPP (hợp tác công - tư)… Lãnh đạo Hiệp hội DN điện tử thì đề xuất Bộ TT-TT cùng các DN trong nước cần ngồi lại để thảo luận về các mục tiêu rõ ràng hơn, cũng như về giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp phần cứng. Từ ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các hiệp hội về CNTT cho thấy cơ quan soạn thảo chương trình, đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước cũng nên cân nhắc và có những động thái cụ thể để tìm giải pháp có lợi cho DN trong nước trước những cơ hội mà các tập đoàn đa quốc gia vào làm ăn tại Việt Nam mang lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên ưu tiên phần cứng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.